Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành tư pháp
Ngày 20.3 tại Hà Nội, Diễn đàn pháp luật thường niên 2023 được tổ chức với chủ đề 'Chuyển đổi số trong ngành tư pháp'.
Diễn đàn do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberty, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi đồng chủ trì.
Chuyển đổi số là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trước yêu cầu và sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạnh khoa học công nghệ. Ngành tư pháp xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã có nhiều nỗ lực, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử. Chính phủ số đáp ứng các yêu cầu đề ra trong các kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về chuyển đổi số và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận từ thay đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế đến nâng cao hạ tầng số, thực hiện dữ liệu số, triển khai một số phần mềm, cơ sở dữ liệu.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng, chuyển đổi số có thể góp phần đạt được các mục tiêu xây dựng một hệ thống tư pháp hiện đại và chuyên nghiệp, minh bạch, có trách nhiệm giải trình và dễ dàng tiếp cận đối với tất cả mọi người. Những sáng kiến tư pháp điện tử được thiết kế tốt có thể giúp tăng cường tiếp cận công lý một cách hiệu quả cho người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của Bộ, ngành tư pháp vẫn còn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức như hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ chưa đáp ứng tốt được yêu cầu phát triển của Chính phủ điện tử, yêu cầu chuyển đổi số của ngành tư pháp; nguồn nhân lực duy trì, vận hành, đảm bảo an toàn thông tin và khắc phục những sự cố còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu…
Tại phiên thảo luận thứ nhất về “Tổng quan về chuyển đổi số và sự cần thiết chuyển đổi số đối với ngành tư pháp”, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày về “Chuyển đổi số và yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan quản ý nhà nước trong chuyển đổi số”. Đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp có bài tham luận về “Yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra đối với chuyển đổi số trong ngành tư pháp”. Tiếp theo đó, Chuyên gia UNDP chia sẻ “Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đối số trong ngành tư pháp”; và Đại diện của Liên đoàn Luật sư Việt Nam chia sẻ “Đánh giá nhu cầu chuyển đổi số trong ngành tư pháp” từ góc nhìn của liên đoàn Luật sư.
Trong phiên thảo luận thứ hai, “Yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành tư pháp”, đại diện các Vụ/Cục trong Bộ Tư pháp có bài tham luận về chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý khác của ngành tư pháp như xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; Cung cấp dịch vụ công; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tăng cường tiếp cận pháp luật của người dân; và Đăng ký, quản lý hộ tịch.
Các nội dung được thảo luận tại diễn đàn đã tập trung vào cách thức chuyển đổi số nhằm góp phần tăng cường tính nhất quán của hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức về các quyền hợp pháp và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tư pháp của các cộng đồng dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, thông qua diễn đàn, các bên được cập nhật và chia sẻ thông tin về những thành tựu, nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ ưu tiên của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong tiến trình cải cách tư pháp, cải cách pháp luật hiện nay, từ đó tạo tiền đề, cơ sở cho việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác, mở ra các cơ hội hợp tác mới.