Đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số từ cơ sở, quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ, chú trọng xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Qua đó giúp người dân thụ hưởng các tiện ích từ chuyển đổi số, bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ và các ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Đoàn thanh niên xã Yên Hòa (Yên Mô) tuyên truyền, hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt tại hộ kinh doanh trên địa bàn xã.
Đến các nhà văn hóa trên địa bàn xã Yên Hòa (Yên Mô), mọi người đều dễ dàng truy cập, sử dụng các tiện ích công nghệ số để tra cứu các thủ tục hành chính, thanh toán không dùng tiền mặt…
Anh Đỗ Tuấn Sự, thôn Lạc Hiền, xã Yên Hòa cho biết: Chưa bao giờ người dân thôn Lạc Hiền lại được hưởng nhiều tiện ích từ các mô hình số như bây giờ. Ai cũng phấn khởi bởi những tiện ích thông minh đã được “phủ sóng” khắp thôn. Giờ đây, việc kinh doanh, phục vụ chăm sóc sức khỏe, đời sống đều ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, toàn thôn được lắp camera an ninh kết nối với công an xã và trên điện thoại thông minh, mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội.
Xã Yên Hòa là một trong những xã đầu tiên trong toàn quốc xây dựng xã thông minh. Từ một xã thuần nông, Yên Hòa đã vươn tầm thế giới, được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) giới thiệu trong sáng kiến “Làng kỹ thuật số”, cùng với mô hình của một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đồng chí Hoàng Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Kết quả chuyển đổi số ở Yên Hòa, đó là người dân trên địa bàn đã thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm. Các sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử PostMart, Voso; được thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc; từ đó nhiều người biết đến, số lượng hàng hóa bán được nhiều hơn.
Đơn cử, sản phẩm Cá chạch sụn kho niêu, từ khi thực hiện chuyển đổi số, lượng tiêu thụ tăng 3-4 lần. Không chỉ có vậy, người dân Yên Hòa còn được tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa thông qua ứng dụng Medici, nhóm cộng đồng trên mạng “Yên Hòa hỏi-Bác sĩ trả lời” và hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth…
Xã đã đưa 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử. Sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành nhanh chóng, kịp thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; rút ngắn thời gian xử lý, tiết kiệm hàng chục triệu đồng chi phí văn phòng phẩm.
Yên Hòa đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Không chỉ có xã Yên Hòa, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số; thúc đẩy phát triển chính quyền số, nâng cao các chỉ số về kinh tế số và xã hội số, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Đồng chí Đào Xuân Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Vân (Nho Quan) cho biết: Trước đây, để chỉ đạo, quản lý, điều hành công việc, Đảng ủy, UBND, MTTQ và các đoàn thể xã phải tổ chức rất nhiều cuộc họp, hội ý, ban hành văn bản, gặp gỡ, điện thoại để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Từ khi xã thành lập các nhóm Zalo để chỉ đạo, điều hành công việc theo nhiệm vụ, mọi việc được triển khai nhanh chóng, mang lại hiệu quả rõ rệt...
Việc triển khai thực hiện chuyển đổi số đã mang đến “luồng gió mới” trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tếxã hội tại địa phương.
Hiện nay, tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh có 744 công chức, viên chức chuyên trách/kiêm nhiệm làm về công nghệ thông tin, quản trị mạng và chuyển đổi số có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Tại các thôn, bản, khu phố có 1.679 Tổ công nghệ số cộng đồng với 8.529 thành viên (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023).
Thời gian qua, các cấp, các ngành đã chủ động xây dựng và tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để thực hiện xã hội số, phát triển kinh tế số.
Để chuyển đổi số đạt kết quả cao, nhiều địa phương đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nâng cao các chỉ số về kinh tế số và xã hội số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đã thiết lập mạng nội bộ kết nối các máy tính trong cơ quan, đơn vị phục vụ ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, các nền tảng số, Hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; 100% công chức tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, 90% cấp huyện, xã có máy tính và các thiết bị phụ trợ khác để sử dụng trong thực thi công vụ.
Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 96,2%; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt 35%; tỷ lệ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt khoảng 28%; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai Sổ sức khỏe điện tử. Tỷ lệ học sinh từ cấp tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh được triển khai học bạ số đạt 45,2%. Một số hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ cao, liên kết với hoạt động chế biến, với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp…
Những giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần tạo chuyển biến sâu sắc về chức trách nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, là động lực để cấp ủy, chính quyền, Nhân dân trên địa bàn thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/day-manh-chuyen-doi-so-tu-co-so-436084.htm