Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân
Khoa học công nghệ (KHCN) có tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra nguyên liệu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao với chi phí thấp hơn, cũng như rút ngắn thời gian làm việc. Bởi thế, trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền để nông dân thay đổi nhận thức và áp dụng phương thức canh tác mới.
Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ
Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các tiến bộ KHCN mới, hàng năm các cấp hội đều đưa nội dung này gắn với các phong trào thi đua lớn của hội. Trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đồng thời là hoạt động phổ biến tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền miệng, kết hợp giữa tập huấn KHCN với xây dựng mô hình và tham quan thực tế. Tính từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân đã phối hợp tổ chức gần 4.000 lớp tập huấn cho hơn 223.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Tùy đặc điểm canh tác, thế mạnh từng địa phương và nguyện vọng của bà con để định hướng, mở lớp cho phù hợp. Như với vùng đất chuyên trồng thanh long ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình đã phối hợp với Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông triển khai 32 mô hình ứng dụng bóng đèn tiết kiệm điện năng Compact ánh sáng đỏ 15W, 20W và 5 mô hình khảo nghiệm đèn chiếu sáng trong khai thác thủy sản tại Phan Thiết. Ngoài ra cung ứng bóng đèn chong thanh long ra hoa trái vụ có hỗ trợ giá cho nông dân. Tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây thanh long, kỹ thuật sản xuất nước uống lên men trái thanh long quy mô hộ gia đình.
Với một số xã ở Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam có số đông nông dân chăn nuôi, trồng cây ngắn ngày, hội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoa học nông vận Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mở 3 lớp tập huấn về “Sử dụng chế phẩm sinh học AT vi sinh xử lý phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi” thành phân bón cho cây trồng, làm giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn…
Song song là công tác phối hợp đào tạo nghề; tập trung vào các lớp dạy nghề về trồng và chăm sóc thanh long, cây cảnh, chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản, trồng rau an toàn, chăn nuôi heo, gia cầm, thuyền trưởng hạng 4, máy trưởng hạng 4, thuyền trưởng hạng 5, máy trưởng hạng 5, tin học văn phòng. Kết quả 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức 552 lớp dạy nghề cho gần 17.500 lượt hội viên, nông dân.
Sau khi được tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, các hội viên hiểu biết và sử dụng vật tư đầu vào hiệu quả hơn, giúp tăng lợi nhuận cho gia đình. Nhiều mô hình được nông dân đánh giá cao và nhân rộng. Tiêu biểu như nuôi dê lai boer theo phương pháp nuôi nhốt tại huyện Bắc Bình, trồng chanh không hạt kết hợp tưới tiết kiệm nước tại huyện Hàm Thuận Bắc, nuôi gà Ai Cập trên đệm lót sinh học tại huyện Tánh Linh, trồng rau ăn lá, ăn quả an toàn trong nhà lưới tại huyện Tánh Linh và Đức Linh, nuôi vịt trời thương phẩm tại huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc…
Ông Nguyễn Hai – hộ trồng táo thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong) sau khi áp dụng kỹ thuật xây dựng nhà lưới cho vườn táo chia sẻ: Mặc dù vốn đầu tư xây dựng nhà lưới ban đầu khá cao, nhưng cái lợi đã thấy rõ trong vụ đầu tiên khi hạn chế rất nhiều sâu bệnh, đặc biệt là ruồi đục quả. Đáng nói là chất lượng trái đồng đều, tỷ lệ trái sâu thấp, an toàn với người tiêu dùng, thế nên thu nhập nông dân cũng khá hơn trước.
“Việc đẩy mạnh công tác KHCN trong sản xuất nông nghiệp đã đưa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi phát huy được thế mạnh theo từng vùng, từng địa phương. Vì vậy, thời gian tới, các cấp hội nông dân trong tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ hội viên tiếp cận và ứng dụng rộng rãi hơn nữa những thành tựu KHCN vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn có bước phát triển mới”, ông Nguyễn Phú Hoàng nói.
Thùy Linh