Đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia

Thực tế phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh thời gian qua cũng phần nào phản ánh tình trạng 'trăm hoa đua nở'...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thúc đẩy xây dựng nền kinh tế số là một trong những trọng tâm của Chính phủ Việt Nam nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng. Trong đó chuyển đổi số là chìa khóa để xây dựng kinh tế số. Nhưng lộ trình thực hiện còn rất nhiều khó khăn. Khó khăn này đang hiển hiện rõ trong việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển đô thị thông minh.

Vẫn đợi khung kiến trúc

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế... là các thành phố, địa phương tiên phong trong xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), đô thị thông minh (ĐTTM) nhằm tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương này cho biết còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp 4.0 gần đây, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội đã tích cực triển khai xây dựng CQĐT và ĐTTM và đến nay đạt được một số kết quả tích cực bước đầu. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, còn nhiều vướng mắc, trong đó nổi lên là thiếu quy chuẩn chung liên quan đến việc xây dựng CQĐT, ĐTTM. “Để xây dựng CQĐT, các địa phương phải xây dựng kiến trúc CQĐT nhưng muốn bài bản và đồng bộ thì phải có khung kiến trúc CQĐT của Trung ương”, ông Quý lấy ví dụ.

Hay như trường hợp của TP.HCM - địa phương dẫn đầu cả nước trong triển khai xây dựng ĐTTM. Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được lãnh đạo thành phố phê duyệt và triển khai từ tháng 11/2017. Sau gần 2 năm triển khai Đề án, thành phố đã xây dựng được trung tâm dữ liệu tập trung trên mã nguồn mở, trung tâm điều hành ĐTTM...

Tuy nhiên theo ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, một trong những thách thức làm sao đảm bảo độ mở, sự tương tác giữa chính quyền, người dân và DN. Nói cách khác là cần một hành lang pháp lý cho vấn đề quản lý nguồn dữ liệu để từ đó Nhà nước có thể khai thác những dữ liệu của DN, DN khai thác dữ liệu của Nhà nước, hay người dân có thể đóng góp thông tin, chia sẻ.

Bên cạnh vấn đề về khung kiến trúc chung và hành lang pháp lý cho xây dựng CQĐT và ĐTTM, đại diện các thành phố, địa phương cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần sớm đưa ra một danh mục các phần mềm ứng dụng áp dụng xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương và xây dựng các phần mềm này để địa phương triển khai.

Điều này vừa giúp tránh lãng phí, vừa đảm bảo tính tương thích, kết nối cao so với để cho địa phương tự nghiên cứu triển khai. Như trong thời gian vừa qua, các phần mềm về bảo hiểm y tế, BHXH, phần mềm quản lý các nhà thuốc, quầy thuốc hay phần mềm về quản lý DN được các bộ chủ quản xây dựng đã được các địa phương triển khai thực hiện theo rất tốt.

Song song với đó, một loạt vướng mắc, kiến nghị khác cũng được các tỉnh thành phố đưa ra để thúc đẩy triển khai CQĐT và ĐTTM, như cần đẩy nhanh việc hoàn thiện chính sách về bảo mật thông tin cá nhân để tạo lòng tin của người dân khi tham gia sử dụng các dịch vụ trực tuyến do chính quyền cung cấp; cần chuẩn hóa hệ thống mạng để kết nối được với các hệ thống cảm biến, qua đó tạo cơ sở xây dựng nguồn dữ liệu mở cho hoạt động ĐTTM; đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt là triển khai sớm mã định danh của công dân; có các chính sách đặc thù để khuyến khích nguồn nhân lực CNTT cho xây dựng chính quyền điện tử và ĐTTM.

Bài bản để kết nối và tiến xa

Thực tế phát triển CQĐT và ĐTTM thời gian qua cũng phần nào phản ánh tình trạng “trăm hoa đua nở”. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, “trăm hoa đua nở” mang lại nhiều kinh nghiệm hay nhưng cũng dẫn đến câu chuyện là đến khi phải kết nối, phải đi xa cho bài bản thì gặp tắc nghẽn.

Đặc biệt, những vấn đề mà các địa phương nêu ra cơ bản đều liên quan đến vai trò của “ông số 1”, như vấn đề quy chuẩn, tiêu chuẩn, danh mục các ứng dụng CNTT nên xuyên suốt toàn quốc, vấn đề thuê dịch vụ CNTT, quản trị dữ liệu, khung kiến trúc Chính phủ điện tử, khung kiến trúc cho ĐTTM… kể cả những quy định, cơ chế về làm thí điểm.

Nhấn đến vai trò của số 1, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay chúng ta có Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, đây chính là số 1 về chỉ đạo. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đóng vai số 1 về điều hành. Như vậy, đã có số 1 về chỉ đạo và số 1 về điều hành. Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử cũng đã chỉ đạo Bộ TT&TT kết nối 2 chương trình Chính phủ điện tử và ĐTTM với nhau.

Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ đẩy nhanh việc triển khai thí điểm xây dựng Chính phủ điện tử tại một số bộ, một số tỉnh và đến năm 2020 phải kết thúc việc thí điểm này, sau đó đưa ra các hướng dẫn để nhân rộng ra. Bên cạnh đó, tới đây Bộ TT&TT cũng sẽ đứng ra để đẩy nhanh việc kết nối, chia sẻ các hệ thống, nền tảng dùng chung giữa các bộ, các địa phương. “Bộ TT&TT có kế hoạch trong năm nay sẽ làm việc với từng bộ, từng địa phương để giải quyết những vướng mắc, khó khăn cũng như đặt ra các mục tiêu, kế hoạch cụ thể”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phát triển Chính phủ điện tử và ĐTTM được coi là một mục tiêu kép. Trong đó, mục tiêu số một là xây dựng được một Chính phủ điện tử, ĐTTM hiệu quả và còn mục tiêu thứ hai là thông qua quá trình đó tạo ra được các DN CNTT mạnh để vừa góp phần cho giai đoạn tiếp theo - giai đoạn chuyển đổi số, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, vừa từ cái nôi Việt Nam để các DN này đi ra toàn cầu.

Kỳ vọng với những kế hoạch công việc sẽ triển khai cụ thể đó, cùng với những định hướng chỉ đạo từ Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, việc xây dựng CQĐT, và ĐTTM sẽ có những tiến triển mạnh mẽ theo hướng đồng bộ, kết nối và bài bản hơn trong thời gian tới, từ đó tạo nền tảng để chuyển đổi sang kinh tế số thành công.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/day-manh-cong-cuoc-chuyen-doi-so-quoc-gia-93214.html