Đẩy mạnh công tác dân tộc trong tình hình mới

Với đặc thù tỉnh miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 85% dân số, những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu luôn quan tâm triển khai hiệu quả công tác dân tộc.

Trong 20 dân tộc, Lai Châu có 4 dân tộc khó khăn đặc thù (dưới 10.000 người): Mảng, Cống, Lự, Si La; 8 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn: Mông, La Hủ, Hà Nhì, Khơ Mú, Giáy, Lào, Dao, Kháng; có 2 dân tộc chỉ có ở Lai Châu: La Hủ, Mảng.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng, chính quyền đã kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về dân tộc phù hợp với thực tế của địa phương như: Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 5/7/2022 về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 22/12/2023 về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030... Ban hành chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh như: hỗ trợ ăn, ở cho học sinh, sinh viên các trường phổ thông thuộc xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế...

Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động hướng về vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động hướng về vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tập trung thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, điển hình như: thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đã triển khai thực hiện hỗ trợ đất ở cho 7 hộ, hỗ trợ nhà ở 921 hộ, hỗ trợ đất sản xuất 298 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.763 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung cho trên 7.000 hộ trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ làm nhà ở cho 59 hộ, hỗ trợ phát triển sản xuất cho 318 hộ với 10 mô hình chăn nuôi và trồng trọt; hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho nhiều hộ dân tộc La Hủ, huyện Mường Tè vay để phát triển sản xuất. Hằng năm giải quyết việc làm cho trên 9 nghìn người, đào tạo nghề cho trên 8 nghìn lao động, chủ yếu là người DTTS; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh năm 2024 lên 60,4%.
Quan tâm phát triển văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS. Củng cố, mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, 96 trường phổ thông dân tộc bán trú; cử 156 học sinh người DTTS đi học tại các trường đại học trong cả nước. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được tập trung thực hiện, đã phục dựng 12 lễ hội truyền thống các dân tộc, hỗ trợ duy trì tổ chức thường niên 65 lượt lễ hội truyền thống các dân tộc.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS luôn được các cấp ủy đặc biệt quan tâm. Đến ngày 31/8/2024, toàn tỉnh có 17.208 đảng viên là người DTTS, chiếm 54,8% đảng viên toàn tỉnh, 247 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đang công tác trong khối đảng, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, chiếm 33,4%; 100% thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ đảng và có đảng viên sinh hoạt tại chi bộ, khắc phục được tình trạng trắng tổ chức đảng, đảng viên ở thôn, bản, nhất là đảng viên DTTS.
Đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho vùng DTTS được triển khai thực hiện, đã góp phần quan trọng làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng dân tộc và miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân giảm 5%/năm, đến năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 19,95%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 19,75%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn như: nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo người DTTS còn cao; một số phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại; các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo đẩy mạnh hoạt động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc trong tình hình mới, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc; bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân tộc. Ưu tiên nguồn lực Nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, nhất là đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa. Tăng cường đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường phát triển đảng viên là người DTTS; quan tâm tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS.

Nguyễn Thu Hương (Văn phòng Tỉnh ủy)

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/%C4%91%E1%BA%A9y-m%E1%BA%A1nh-c%C3%B4ng-t%C3%A1c-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-trong-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-m%E1%BB%9Bi