Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến với người dân

Thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 153 ngày 2/2/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kế hoạch thực hiện các văn bản, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật (PB,GDPL), tiếp cận pháp luật năm 2024. Trong đó, đẩy mạnh PB,GDPL các Đề án như: “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn”, “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”... trên địa bàn phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị.

Người dân huyện Hồng Ngự tham dự buổi tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

Người dân huyện Hồng Ngự tham dự buổi tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

Các cấp, ngành chức năng triển khai Quyết định số 407 ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Trong đó, tập trung truyền thông dự thảo văn bản luật, nghị quyết về chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như: tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ năng PB,GDPL; bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hướng dẫn truyền thông dự thảo chính sách pháp luật, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của người dân. Nội dung tuyên truyền về sự cần thiết ban hành chính sách; mục đích, quan điểm xây dựng chính sách; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của chính sách; nội dung cơ bản, mới của chính sách hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với các vấn đề khó và có nhiều ý kiến khác nhau.

Việc truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn được lồng ghép vào các hoạt động PB,GDPL theo kế hoạch công tác của ngành, đơn vị, qua các mô hình của 147 Hội quán, 143 Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để truyền thông từ sớm, từ xa, ngay từ khi dự thảo đề nghị xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng chính sách, pháp luật để nội dung chính sách, pháp luật, phù hợp với chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Qua đó, có thể trực tiếp thông tin, giải thích các nội dung dự thảo chính sách, các quyền và lợi ích có liên quan, giúp người dân hiểu rõ, đầy đủ hơn...

Các cơ quan, đơn vị, địa phương khảo sát, tìm hiểu nhu cầu, thực trạng năng lực tiếp cận pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân, từ đó lồng ghép tuyên truyền Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” giai đoạn 2023 - 2030 thông qua các hoạt động PB,GDPL, chọn nội dung, hình thức tiếp cận pháp luật phù hợp chức năng, nhiệm vụ của các ngành, đơn vị, nhất là phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Các sở, ngành, địa phương hỗ trợ thông tin pháp luật, PB,GDPL qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Đồng thời hướng dẫn cách thức khai thác, tìm hiểu thông tin pháp luật qua các Cổng, Trang thông tin điện tử PB,GDPL của Bộ Tư pháp, sở, ngành tỉnh và địa phương.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường vận động đoàn viên, hội viên và người dân tự giác, chủ động tìm hiểu, chấp hành pháp luật; phối hợp tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí, hỗ trợ người dân giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về pháp luật; xây dựng, triển khai các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong hỗ trợ tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Từ các hoạt động thực tiễn đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền PB,GDPL.

Với phương châm “Lấy người nghe làm trung tâm”, tập trung tuyên truyền theo nhu cầu người nghe, do vậy nội dung PB,GDPL của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đồng thời nắm bắt nhu cầu tìm hiểu, phổ biến pháp luật từ cơ sở cũng như chọn lọc những nội dung pháp luật phù hợp và những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm để truyền thông, phổ biến được người nghe đồng tình hưởng ứng, dễ dàng tiếp nhận và tác động tích cực đến nhận thức của đối tượng tiếp cận. Cùng với đó, hình thức PB,GDPL luôn đổi mới, sáng tạo, đa dạng, phong phú, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PB,GDPL nhằm thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đưa kiến thức pháp luật đến với người dân trên địa bàn tỉnh.

D.C

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/phap-luat/day-manh-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-den-voi-nguoi-dan--130268.aspx