Đẩy mạnh công tác thanh tra và giám sát hệ thống

Năm 2024, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ tập trung thanh tra những vấn đề trọng yếu, xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường, đổi mới công tác giám sát, đặc biệt là giám sát vi mô; cảnh báo sớm các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, các tổ chức tín dụng có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, hoạt động yếu kém, nguy cơ gây mất ổn định, an toàn hệ thống.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước

Có thể nói, năm 2023 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Chính phủ. Lạm phát thế giới đã giảm, song còn ở mức cao khiến nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; đồng USD, giá dầu, giá vàng diễn biến phức tạp; sự đổ vỡ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu; xung đột chính trị, quân sự ở một số quốc gia và khu vực trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường… là những yếu tố tác động đa chiều tới kinh tế, tiền tệ của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ở trong nước, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp mặc dù đã có sự cải thiện nhưng còn không ít khó khăn, vướng mắc nên vẫn tạo áp lực lớn đối với hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trong vai trò dẫn vốn cho nền kinh tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời đề ra các chủ trương, định hướng, triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động và phát triển bền vững của hệ thống các TCTD, góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ - tài chính quốc gia và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, trong đó công tác thanh tra, giám sát ngân hàng luôn đóng vai trò quan trọng.

Kết quả thanh tra, giám sát chuẩn xác sẽ là kim chỉ nam cho công tác quản lý, điều hành

Kết quả thanh tra, giám sát chuẩn xác sẽ là kim chỉ nam cho công tác quản lý, điều hành

Những kết quả đạt được năm 2023

Thời gian qua, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục có những thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực, toàn diện, qua đó góp phần duy trì và giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng, thúc đẩy các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

Cụ thể, công tác thanh tra tiếp tục được đổi mới theo hướng đẩy mạnh thanh tra chuyên đề, tập trung hiệu quả nguồn lực thanh tra vào các đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm. Trong năm 2023, bên cạnh việc thanh tra pháp nhân toàn diện, thanh tra chuyên đề theo kế hoạch, Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng đã tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong quá trình thanh tra các vấn đề “nóng” của hệ thống và các vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm như hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm; việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu; trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro trong quá trình hoạt động của các TCTD…

Năm qua, Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng đã triển khai trên 1.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện các tồn tại, vi phạm trong hoạt động của các TCTD, tập trung vào các vấn đề chính như hoạt động quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; hoạt động cấp tín dụng (thẩm định và quyết định cho vay, tài sản bảo đảm, giải ngân tiền vay…); đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, từ đó đưa ra những kiến nghị, khuyến nghị và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.

Công tác giám sát tiếp tục được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo các rủi ro, sai phạm trong hoạt động của các TCTD. Nội dung giám sát không chỉ dừng lại ở việc giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động mà còn chú trọng đến việc giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của các TCTD. Trên cơ sở dữ liệu của các TCTD, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đã thực hiện phân tích, giám sát tình hình hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xây dựng các báo cáo giám sát vĩ mô, vi mô đối với các đối tượng giám sát, từ đó có các biện pháp nhằm đảm bảo các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh, đúng quy định pháp luật.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đã ban hành/tham mưu lãnh đạo NHNN ban hành các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh các TCTD về các vấn đề: hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp; hoạt động đại lý bảo hiểm; công tác bảo mật thông tin khách hàng; một số yêu cầu về giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng; cảnh báo, chấn chỉnh một số hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; rà soát dự phòng rủi ro, lãi, phí phải thu và lợi nhuận trong quá trình hoạt động; cho vay khách hàng ngoài địa bàn của TCTD…

Hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động giám sát được đưa vào sử dụng đồng bộ từ trung ương đến địa phương có đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát các TCTD. Việc phối hợp, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn trong nội bộ hệ thống thanh tra, giám sát ngành ngân hàng giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc giám sát tình hình hoạt động của các TCTD tiếp tục được chú trọng tăng cường thông qua việc tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo trực tuyến, trưng tập cán bộ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra...

Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tham mưu lãnh đạo NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt và đạt được một số kết quả quan trọng. Theo đó, hệ thống các TCTD tại Việt Nam được cơ cấu theo hướng mở rộng quy mô đi cùng với chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. NHNN cũng tích cực triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Các TCTD yếu kém dần được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD.

Thanh tra, giám sát ngành ngân tập trung hiệu quả nguồn lực thanh tra vào các đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh tiêu cực.

Công tác quản lý cấp phép hoạt động các TCTD được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn hoạt động và định hướng cơ cấu lại hệ thống TCTD, định hướng, chủ trương của Chính phủ, bảo đảm các TCTD mở rộng và đa dạng hóa các kênh phân phối, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, đồng hành cùng người dân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm của đất nước. NHNN khuyến khích các tổ chức tài chính quốc tế có tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm quản trị, tham gia tích cực trong công tác tái cơ cấu các TCTD yếu kém theo hướng tạo điều kiện trong công tác cấp phép hoạt động, qua đó cũng góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng dịch vụ của các TCTD hoạt động tại Việt Nam.

Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai nghiêm túc trong toàn ngành ngân hàng, thông qua các hoạt động phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng quy định. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều tra, xét xử; tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; kịp thời tham mưu ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Nội chính Trung ương về công tác phòng chống tham nhũng, tội phạm, tiêu cực; triển khai trong toàn ngành công tác xác minh kê khai tài sản, thu nhập theo thẩm quyền của NHNN.

Công tác phòng chống rửa tiền tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong năm 2023, Luật Phòng, chống rửa tiền chính thức có hiệu lực thi hành, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan đã góp phần hoàn thiện pháp luật về phòng chống rửa tiền, là cơ sở quan trọng để Việt Nam đàm phán, thiết lập hợp tác quốc tế về lĩnh vực phòng chống rửa tiền với các quốc gia trên thế giới. Hoạt động phòng chống rửa tiền theo đó sẽ được tăng cường, thúc đẩy công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền, qua đó giảm thiểu các hoạt động tội phạm, gian lận thuế, tham nhũng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo điều kiện cho hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần phòng chống tội phạm và đẩy mạnh thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam, nghĩa vụ thành viên của Việt Nam với các tổ chức quốc tế trong công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Năm 2023 cũng là năm Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát, cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của NHNN, thực tiễn hoạt động của TCTD và tiệm cận với thông lệ quốc tế. Luật Các TCTD được NHNN tham mưu Chính phủ trình Quốc hội (đã chính thức được thông qua vào ngày 18/1/2024) có nhiều điểm mới tích cực, góp phần quan trọng đảm bảo hoạt động của các TCTD phát triển lành mạnh, ổn định. Luật Các TCTD được ban hành đi kèm hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành sẽ góp phần tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD trong quá trình hoạt động. Trong năm 2024, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tập trung nguồn lực nghiên cứu, xây dựng dự thảo để trình cấp có thẩm quyền ban hành gần 30 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Các TCTD.

Hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng đã và đang được thanh tra rất kỹ

Hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng đã và đang được thanh tra rất kỹ

Định hướng công tác thanh tra, giám sát ngân hàng năm 2024

Để đạt được những kết quả nêu trên, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nói riêng và toàn hệ thống Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng nói chung đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai nhiệm vụ:

Thứ nhất, khối lượng công việc liên quan tới hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng tương đối lớn, thường xuyên chịu áp lực về thời gian, trong khi số lượng cán bộ, công chức còn thiếu so với định biên, trình độ chưa đồng đều.

Thứ hai, một số nhiệm vụ phức tạp, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý, chưa có tiền lệ để tham khảo kinh nghiệm. Việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém đòi hỏi áp dụng những giải pháp đặc thù vượt thẩm quyền của NHNN, chưa có tiền lệ; việc nghiên cứu, xây dựng phương án xử lý đòi hỏi phải hết sức thận trọng nên quá trình xem xét, xử lý kéo dài.

Thứ ba, tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn phạm tội, gây ra tổn thất cho các ngân hàng. Nợ xấu có xu hướng tăng do hệ quả của biến động kinh tế trong nước, thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Đây là những thách thức, áp lực lớn cho cán bộ, công chức thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc tham mưu, đề xuất và triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD.

Trong năm 2024, ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và hệ thống tiền tệ - tài chính nói riêng tiếp tục là một trong những mục tiêu xuyên suốt, ưu tiên hàng đầu của Đảng và Chính phủ. Với định hướng đó, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng tiếp tục đổi mới công tác thanh tra theo hướng thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường, đổi mới công tác giám sát, đặc biệt là giám sát vi mô; cảnh báo sớm đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, các TCTD có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, hoạt động yếu kém, nguy cơ gây mất ổn định, an toàn hệ thống.

Trên cơ sở những phát hiện trọng yếu trong công tác thanh tra, giám sát, chú trọng kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, bảo đảm theo sát thực tiễn hoạt động của các TCTD. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, giám sát. Đẩy mạnh công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, tập trung xử lý các TCTD yếu kém. Tích cực rà soát, tham mưu sửa đổi, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các TCTD. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về cả chuyên môn nghiệp vụ và tư tưởng đạo đức.

Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, giám sát, phòng chống tham nhũng và tội phạm, phòng chống rửa tiền để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định pháp luật, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD.

Nguyễn Tuấn Anh / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/day-manh-cong-tac-thanh-tra-va-giam-sat-he-thong-post346994.html