Đẩy mạnh cung cấp vũ khí cho Ukraine, Mỹ đang vượt 'lằn ranh đỏ' với Nga?
Trong vài tháng gần đây, Mỹ công khai gửi các máy bay không người lái mới, tên lửa tầm xa hơn và mạnh hơn, các hệ thống pháo phản lực uy lực hơn trong các gói viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine.
Kể từ khi Nga bắt đầu hoạt động quân sự ở nước láng giềng, Điện Kremlin chỉ trích việc phương Tây cung cấp thiết bị quân sự và viện trợ tài chính cho Ukraine. Hệ thống tên lửa chống tăng dẫn đường vác vai FGM-148 Javelin và hệ thống pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất là những loại vũ khí mạnh mẽ nhất mà Washington gửi cho Kiev để đẩy lùi lực lượng Nga trên chiến trường.
Viện trợ ngày càng tăng của Mỹ cho Ukraine
Vào tháng 8, Nhà Trắng đã công bố gói viện trợ lớn nhất của Mỹ dành cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Gói viện trợ trị giá 3 tỷ USD bao gồm đạn dược, vũ khí, máy bay không người lái và các thiết bị quân sự khác. Đây là “đợt hỗ trợ an ninh lớn nhất cho tới nay” của Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết. Thông báo này được đưa ra 6 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho hay, gói 3 tỷ USD Mỹ công bố sẽ được chi cho 6 hệ thống tên lửa phòng không NASAMS mới và bổ sung đạn dược cho hai bệ phóng NASAMS mà Washington đã cung cấp trước đó vào tháng 7 theo quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh.
Gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine cũng sẽ bổ sung tới 245.000 đạn pháo 155 mm và 65.000 đạn 120 mm. Số tiền hỗ trợ cũng sẽ mua thêm máy bay không người lái và hệ thống chống máy bay không người lái, tên lửa có laser dẫn đường và radar được thiết kế để theo dõi hỏa lực pháo binh của đối phương.
Vào đầu tháng 9, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua đề xuất chi 13,7 tỷ USD khẩn cấp cho Ukraine. Các nỗ lực phòng thủ của Ukraine trước lực lượng Nga phần lớn phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài.
Mỹ đã vượt qua “lằn ranh đỏ” của Nga?
Trong gói viện trợ mới nhất của Mỹ cho Ukraine, có các loại đạn HIMARS bổ sung, tên lửa chống radar, 4 lựu pháo Howitzer và 100 xe đa năng cơ động cao bọc thép.
Theo Newsweek, “với hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp, Ukraine có thể phóng tên lửa dẫn đường bằng GPS tiếp cận mục tiêu cách xa hơn 80km”. AP đưa tin, Mỹ vẫn chưa gửi tên lửa HIMARS tầm xa hơn cho Ukraine với khả năng tiếp cận mục tiêu cách xa tới gần 300km.
Mỹ đã cung cấp cho lực lượng Ukraine các tên lửa có thể tiếp cận mục tiêu cách xa tới 80km khi bắn từ bệ phóng HIMARS. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ khẳng định rằng Ukraine đã tuyên bố sẽ không sử dụng tên lửa của Mỹ để tấn công các mục tiêu của Nga.
Bệ phóng tên lửa di động HIMARS rất nhẹ và có thể phóng nhiều tên lửa khi lắp trên khung xe tải M1140 tiêu chuẩn. Bệ phóng có thể mang một tên lửa ATACMS 610mm hoặc 6 tên lửa 227mm GMLRS.
Tên lửa dẫn đường tầm xa ATACMS có tầm bắn xa hơn tới 300km, được Nga coi là vũ khí “lằn ranh đỏ”.
“Nếu Ukraine sở hữu những vũ khí này, các thành phố lớn của Nga cũng như các cơ sở hạ tầng giao thông và công nghiệp sẽ nằm trong khu vực có nguy cơ bị phá hủy. Kịch bản này đồng nghĩa với việc Mỹ can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột quân sự với Nga”, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhận định.
Bộ Ngoại giao Nga nói nếu Mỹ cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm xa hơn, thì nước này sẽ trở thành một bên tham gia vào cuộc xung đột. Trong tuần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định Điện Kremlin “có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình”, đề cập đến Ukraine, nơi Nga đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt từ hồi tháng 2.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl tuyên bố Mỹ sẽ không cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS sử dụng trên hệ thống hỏa lực HIMARS. Theo ông Kahl, dòng tên lửa dẫn đường chính xác GMLRS hiện là vũ khí phù hợp nhất với Ukraine trong cuộc xung đột với lực lượng Nga. Thứ trưởng Mỹ nhấn mạnh, Ukraine hiện không cần tới tên lửa ATACMS có tầm tấn công 280km.
Ông Kahl cho rằng các tên lửa GMLRS đang gửi cho Ukraine là phương án tấn công Nga tốt nhất, tốt hơn các tên lửa tầm xa ATACMS.
“Chúng tôi đã chuyển cho Ukraine hàng trăm tên lửa GMLRS dẫn đường chính xác và Kiev đang sử dụng chúng để tạo nên những tác động lớn trên chiến trường. Theo đánh giá của chúng tôi, loại đạn dược phù hợp nhất cho cuộc chiến hiện tại ở Ukraine là GMLRS”, ông Kahl nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng Nga có thể sẽ sớm hoàn thành mục tiêu của chiến dịch quân sự trong vòng vài tuần kể từ khi cuộc chiến nổ ra. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã phải cố gắng duy trì nỗ lực tấn công trước sự phản công của Ukraine./.