Đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững ở huyện Sơn Dương
Huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đặc biệt chú trọng tạo việc làm, đào tạo nghề, tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giảm nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Xác định đào tạo nghề là một trong những giải pháp trọng tâm của huyện để giảm nghèo bền vững, huyện Sơn Dương đã đưa công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm vào chương trình hành động trọng tâm.
Với tinh thần này, công tác đào tạo nghề được đẩy mạnh, không chỉ giúp nâng cao tay nghề cho người lao động mà còn tạo điều kiện cho họ tự tin tham gia thị trường lao động, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Lại Văn Hùng, thôn Hoàng Tân, xã Ninh Lai sau khi tham gia Ngày hội việc làm do địa phương tổ chức, đã được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh, Cụm công nghiệp xã Phúc Ứng. Công việc này mang lại cho anh thu nhập ổn định hơn 6 triệu đồng/tháng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Anh chia sẻ: “Cụm công nghiệp Phúc Ứng mở ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình đỡ vất vả, tôi có điều kiện cho con cái đi học đầy đủ”.
Năm 2024, huyện mở hơn 18 lớp đào tạo nghề, tổ chức hơn 5 phiên giao dịch việc làm, giúp tạo việc làm mới cho hơn 5.367 lao động, vượt 112,9% kế hoạch đề ra. Các chính sách hỗ trợ dịch vụ xã hội cơ bản như cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, và vay vốn sản xuất đã tạo nền tảng kinh tế vững chắc cho các hộ nghèo.
Anh Lý Văn Thể, một nông dân ở thôn Khe Thuyền 3, xã Văn Phú, đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ cây giống, vật nuôi, và kiến thức kỹ thuật trong trồng rừng, nuôi dê. Hiện nay, mô hình kinh tế của anh đã phát triển ổn định, không chỉ bảo đảm thu nhập cho gia đình mà còn tạo động lực để nhiều hộ trong thôn học tập, áp dụng.
Dự án phát triển sản xuất chăn nuôi dê sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Sơn Dương mới đây được triển khai thực hiện tại địa bàn các xã: Đại Phú, Hợp Hòa, Đồng Quý, Đông Lợi, với số lượng hỗ trợ 10 con dê/hộ. Hàng trăm hộ dân đã được thụ hưởng, dự án thành công sẽ là nền tảng để phát triển kinh tế, giúp người dân có cuộc sống no ấm hơn.
“Được Nhà nước hỗ trợ dê để chăn nuôi phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, gia đình tôi rất phấn khởi. Tôi sẽ chăm sóc đàn dê khỏe mạnh, sinh sản tốt, coi đây là nguồn thu chủ lực để từng bước nâng cao đời sống” - ông Trần Văn Cường, thôn nhà xe, xã Đông Lợi chia sẻ.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, tỷ lệ hộ nghèo tại Sơn Dương đã giảm đáng kể. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều cuối năm giảm còn 7,01%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch giao là 8,35%).
Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, công tác đào tạo nghề tại Sơn Dương vẫn còn gặp không ít khó khăn. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp ở địa phương chưa được sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Điều này khiến việc đào tạo nghề chuyên sâu và cung cấp lao động kỹ thuật cao còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai đào tạo nghề chưa thực sự đồng bộ. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của các chương trình đào tạo, khiến người lao động gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm phù hợp.
Trong thời gian tới, huyện Sơn Dương sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm đổi mới công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn như các cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề. Chất lượng và hiệu quả đào tạo được đặt lên hàng đầu, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị.
Huyện đang phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh để tranh thủ nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị hiện đại sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc giảng dạy và thực hành của học viên. Tập trung xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm đào tạo nghề và doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo sẽ được thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, giúp người lao động sau khi đào tạo có thể làm việc ngay mà không cần qua đào tạo bổ sung.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đào tạo nghề, giúp người dân nhận thức rõ hơn về giá trị của việc học nghề. Đồng thời, huyện còn có các chương trình hỗ trợ học phí, cấp chứng chỉ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động.
Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương đánh giá, quá trình triển khai tại huyện gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của các cấp chính quyền nhằm thu hẹp khoảng cách về đời sống kinh tế-xã hội giữa đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng kinh tế phát triển, huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bộ, tạo điều kiện để nhân dân ở các xã khó khăn có thêm động lực phấn đấu vươn lên. Đặc biệt là về tư duy, cách làm trong phát triển kinh tế và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; hàng nghìn hộ dân đã thoát nghèo nhờ những chính sách thiết thực từ Chương trình này.