Đẩy mạnh đầu tư các công trình trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 16/7, báo cáo tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa 10, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh xây dựng các công trình trọng điểm nhằm phát triển kinh tế-xã hội.

Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt chất vấn tại kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt chất vấn tại kỳ họp.

Cụ thể, đó là hoàn thành xây dựng 6 tuyến Metro (dài 183km với 148 nhà ga) với tổng số vốn đầu tư hơn 871.200 tỷ đồng theo quy hoạch phát triển hệ thống đường sắt đô thị thành phố.

Để thuận lợi thực hiện dự án, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị trung ương 28 cơ chế, chính sách thuộc 6 nhóm vấn đề. Trong đó, có nhóm chính sách về quy hoạch; về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; về huy động vốn; trình tự thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và nhóm chính sách về cơ chế tổ chức quản lý, khai thác.

Trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương cho phép thành phố được phê duyệt các chỉ tiêu trong đồ án quy hoạch đối với khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) khác với tiêu chuẩn, quy hoạch hiện hành.

Đặc biệt, đề xuất cho phép thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với lãi suất ưu đãi…

Ngoài xây dựng các tuyến Metro, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình Hội đồng nhân dân tờ trình dự án xây dựng kiên cố tuyến bờ kè Thanh Đa đoạn 1.1 (phường 25, quận Bình Thạnh).

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn bờ kè Thanh Đa đoạn 1.1 hiện hữu được xây dựng từ năm 2007, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2008 với chiều dài 478m. Công trình được xây dựng với quy mô kè mền, mái nghiêng lát viên bê-tông đúc sẵn trên nền đất đắp và thảm đá để gia cố lòng sông.

Đến nay, qua thời gian khai thác dài (trên 15 năm), kết cấu và vật liệu đã lão hóa, giảm khả năng liên kết và dễ bị ảnh hưởng khi có tác động tiêu cực từ bên ngoài (sóng, dòng chảy, chế độ triều, gia tăng tải trọng do xây dựng...) làm cho công trình kẻ bị sụt lún, chuyển vị nghiêng về phía sông.

Đặc biệt, khu vực bờ sông cách cầu Kinh khoảng 50m về phía hạ lưu, khoảng 200m bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng, kè bị hư hỏng nặng, nhiều nhà dân sinh sống sát bờ sông bị lún, nứt, nghiêng về hướng sông. Khi triều cường lên toàn bộ khu vực giáp bờ sông bị ngập nước, kết hợp tác động dòng chảy lưu tốc lớn, sóng do tàu chạy và các tác nhân do biến đổi khí hậu làm cho tình hình sụt lún, sạt lở tiếp tục diễn ra và tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, gây sạt trượt bờ sông, nguy hiểm đến an toàn về người và tài sản người dân.

Dự án xây mới kiên cố tuyến bờ kè Thanh Đa đoạn 1.1 sẽ có tổng vốn đầu tư 651 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2027. Việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng công trình kè kiên cố nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân khu vực, kết hợp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông (đường thủy, đường bộ), kết hợp chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường, cảnh quan khu vực theo quy hoạch.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp tục xây dựng dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp (thành phố Thủ Đức). Đây là dự án đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Nghị quyết từ năm 2016, vốn đầu tư khoảng 528 tỷ đồng (gồm 360 tỷ đồng của dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp và 168 tỷ đồng của dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ nâng cấp đường Đỗ Xuân Hợp trên địa bàn quận 2 cũ). Tuy nhiên, do thời gian thực hiện kéo dài nên đến nay tổng vốn đầu tư đã tăng lên 868 tỷ đồng, thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/day-manh-dau-tu-cac-cong-trinh-trong-diem-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-post819347.html