Đẩy mạnh đầu tư, Đạm Cà Mau (DCM) tăng cường năng lực xuất khẩu

Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) vừa cho biết đã đàm phán xuất bán thành công tổng cộng 100.000 tấn ure, bao gồm 30.000 tấn xuất khẩu đến Australia – thị trường phân bón khó tính hàng đầu thế giới.

Xuất khẩu 100.000 tấn ure ngay đầu năm

Đạm Cà Mau chiếm khoảng 16,7% tổng lượng phân bón xuất khẩu của cả nước trong năm 2024.

Đạm Cà Mau chiếm khoảng 16,7% tổng lượng phân bón xuất khẩu của cả nước trong năm 2024.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa cho biết, đã đàm phán thành công 05 tàu hàng với tổng khối lượng hơn 100.000 tấn ure, trong đó 02 tàu đi Australia với khối lượng hơn 30.000 tấn.

Trước đó, từ đầu năm 2024, sản phẩm phân bón của Đạm Cà Mau đã chính thức có mặt tại Australia.

Đại diện Đạm Cà Mau cho biết, sau khi xuất khẩu thành công các chuyến hàng lần này đến Australia, công ty sẽ có cơ hội đạt xếp hạng cao nhất (level 1) cho mặt hàng phân bón nhập khẩu vào thị trường này. Công ty cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đạt chứng chỉ xuất khẩu phân bón hàng rời, đưa mặt hàng chủ lực là ure hạt đục vào thị trường Australia.

Theo đại diện công ty, quá trình duyệt chứng chỉ nhập khẩu vào Australia kéo dài trong nhiều tháng. Đạm Cà Mau phối hợp cơ quan chức năng từ nước này để đánh giá từ khâu sản xuất đến luồng tuyến xếp hàng lên tàu biển.

Mặc dù Australia được xem là thị trường khó tính về nhập khẩu phân bón nhưng lợi thế là họ sẵn sàng trả giá cao. Vì vậy công ty từng bước cải thiện chất lượng ở mọi quy trình: vận chuyển, bốc xếp sau khi hàng hóa xuất khỏi kho nhà máy. Chất lượng hàng hóa đảm bảo tối ưu nhờ tốc độ xếp dỡ cao so với mặt bằng chung của các nhà xuất khẩu trên thế giới, đại diện Đạm Cà Mau cho biết.

Kết quả kinh doanh mảng phân bón ure (tấn) của Đạm Cà Mau trong giai đoạn 2023 - 2024. (Nguồn: Đạm Cà Mau)

Kết quả kinh doanh mảng phân bón ure (tấn) của Đạm Cà Mau trong giai đoạn 2023 - 2024. (Nguồn: Đạm Cà Mau)

Đạm Cà Mau hiện đang thực hiện linh hoạt chiến lược kinh doanh, tiếp tục ưu tiên phục vụ thị trường nội địa nhưng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu khi trong nước vào mùa thấp điểm. Với lợi thế hiện hữu tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, công ty đang tiếp tục gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống và mở rộng thâm nhập sang các thị trường mới.

Trong đó, Đạm Cà Mau đang duy trì thị phần cao tại thị trường truyền thống Campuchia (hơn 60%), Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ, Brazil… Công ty cũng cho biết các dòng sản phẩm phân bón công nghệ cao phù hợp xu hướng xanh đã xâm nhập, đáp ứng tốt yêu cầu các thị trường mới như Pháp, Peru, Mexico, Hoa Kỳ…

Tính chung cả năm 2024, Đạm Cà Mau đã xuất khẩu 289.930 tấn phân bón các loại, hoàn thành 128% kế hoạch năm đã đề ra, và chiếm 16,7% tổng lượng phân bón xuất khẩu của cả nước.

Đẩy mạnh đầu tư, tăng cường năng lực xuất khẩu

Diễn biến giá ure (đồng/kg) tại thị trường trong nước trong giai đoạn 2023 - 2024. (Nguồn: Đạm Cà Mau)

Diễn biến giá ure (đồng/kg) tại thị trường trong nước trong giai đoạn 2023 - 2024. (Nguồn: Đạm Cà Mau)

Để củng cố năng lực xuất khẩu, Đạm Cà Mau đang đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống kho bãi. Trong giai đoạn 2024 - 2030, công ty sẽ triển khai 18 dự án đầu tư, tập trung chủ yếu vào phát triển hạ tầng logistics nhằm rút ngắn thời gian, tối ưu chi phí vận chuyển, cũng như có nơi tích trữ nguyên liệu đầu vào giá rẻ nhằm đón xu hướng giá bán thành phẩm tăng.

Đáng chú ý, lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết công ty đang lên kế hoạch nâng công suất thiết kế của nhà máy ure lên 125% so với mức hiện tại, đạt khoảng 1 triệu tấn/năm, với vốn đầu tư khoảng 836 tỷ đồng, dự kiến vận hành thương mại vào năm 2028. Nguồn cung khí cho nhà máy mở rộng dự kiến sẽ đến từ các mỏ Nam Du - U Minh và Khánh Mỹ - Đầm Dơi.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Hiện tại, Đạm Cà Mau đang sở hữu Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn ure hạt đục/năm. Đây cũng là nhà máy sản xuất ure hạt đục nội địa duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Đạm Cà Mau cũng đang vận hành Nhà máy NPK Cà Mau có công suất 300.000 tấn/năm và Nhà máy NPK Hàn - Việt có công suất 360.000 tấn/năm.

Năm nay, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu tiêu thụ 1,5 triệu tấn phân bón các loại. Một số hãng chứng khoán nhận định đây là mục tiêu khả thi, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu khi giá phân bón thế giới đang neo ở mức cao và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng nhẹ trên toàn cầu từ 3-5% trong năm 2025.

Đối với thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước dự kiến sẽ tăng lên nhờ thời tiết thuận lợi. Theo dự báo của Viện nghiên cứu thời tiết quốc tế (IRI), giai đoạn La Nina sẽ kế thúc kể từ tháng 3/2025 và thời tiết thuận lợi (trung tính) sẽ thúc đẩy nhu cầu trồng trọt của các hộ nông dân. Bên cạnh đó, giá nông sản nội địa như giá gạo… kỳ vọng vẫn duy trì ở mức cao.

Giá một số loại nông sản của Việt Nam hiện vẫn đang duy trì ổn định ở mức cao so với hồi tháng 7/2023.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/day-manh-dau-tu--dam-ca-mau--dcm--tang-cuong-nang-luc-xuat-khau-132932.htm