Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp
Trên địa bàn Bình Thuận có 9 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển thành lập đến năm 2020, với tổng diện tích hơn 3.000 ha.
Hiện 5 KCN trong số đó đã vào hoạt động, gồm: KCN Phan Thiết giai đoạn 1 và KCN Phan Thiết giai đoạn 2 (TP. Phan Thiết), KCN Hàm Kiệm I và KCN Hàm Kiệm II (huyện Hàm Thuận Nam), KCN Sông Bình (huyện Bắc Bình). Các KCN này thu hút gần 90 dự án đầu tư (có 28 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 16.192 tỷ đồng và khoảng 231 triệu USD, đến nay có 64 dự án đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.
KCN Hàm Kiệm I thuộc huyện Hàm Thuận Nam.
Theo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, bên cạnh kết quả đạt được thì nhìn chung tiến độ đầu tư hạ tầng theo quy hoạch phát triển các KCN được Chính phủ phê duyệt còn chậm. Ngoại trừ KCN Phan Thiết giai đoạn 1 đã hoàn thành kết cấu hạ tầng và thu hút lấp đầy 100% diện tích, hầu hết các KCN còn lại mặc dù cơ bản hoàn thành công trình thiết yếu đảm bảo cho việc thu hút dự án, song tiến độ đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư đều chậm so kế hoạch đề ra. Như KCN Hàm Kiệm I thực hiện đầu tư hạ tầng đạt 85,3% trên tổng vốn và có diện tích đất công nghiệp cho thuê lấp đầy đạt khoảng 59%. Đối với KCN Hàm Kiệm II, KCN Sông Bình triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật so tổng vốn dự án cũng như tỷ lệ diện tích đất công nghiệp cho thuê lấp đầy còn thấp hơn. Riêng KCN Tuy Phong (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong) đang được chủ đầu tư xúc tiến thi công hạ tầng thiết yếu nhằm tiến tới tăng cường mời gọi dự án đầu tư vào nơi đây…
Để đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư thứ cấp và nâng cao tỷ lệ lấp đầy vào KCN, tới đây địa phương sẽ tập trung giải quyết khó khăn, khắc phục các tồn tại. Trong đó có phối hợp chủ đầu tư công trình ngoài hàng rào KCN triển khai thi công hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2022, cùng các bên liên quan triển khai hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Năm nay, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cũng thực hiện vai trò đầu mối, đôn đốc đơn vị chức năng và địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hướng tới khởi công xây dựng KCN Tân Đức, KCN Sơn Mỹ 1 (huyện Hàm Tân). Đồng thời đôn đốc triển khai thực hiện các thủ tục đền bù, giải tỏa, khởi công xây dựng KCN Sơn Mỹ 2 (huyện Hàm Tân) sau khi Thủ tướng Chính phủ cấp quyết định chủ trương đầu tư. Tiếp đó phối hợp các sở ngành, huyện Hàm Tân và thị xã La Gi xây dựng hoàn thành Quy hoạch chung Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Hàm Tân, La Gi theo tiến độ quy định.
Liên quan công tác này, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các KCN: Phan Thiết 2, Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II, Sông Bình, Tuy Phong và đầu tư trên 70% khối lượng hạ tầng KCN Tân Đức, KCN Sơn Mỹ 1, Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Hàm Tân, La Gi (giai đoạn 1). Cùng với đó là thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê ở KCN Phan Thiết 2, 78% diện tích đất cho thuê ở KCN Hàm Kiệm I và KCN Hàm Kiệm II, đạt trên 30% diện tích đất cho thuê đối với một số KCN mới đi vào hoạt động…
KCN Sơn Mỹ 1 được kỳ vọng tạo ra 20.000 việc làm
Hiện các KCN trên địa bàn Bình Thuận đã đi vào hoạt động tập trung chủ yếu ở các ngành nghề: Gia công, sản xuất giày dép, bao bì carton, sản phẩm nội thất từ gỗ, giấy dính cao cấp, bảo quản và đóng gói quả thanh long, chế biến thực phẩm… với tổng số lao động khoảng 10.800 người. Tuy nhiên với KCN Sơn Mỹ 1 (quy mô 1.070 ha, có diện tích đất công nghiệp cho thuê hơn 730 ha), địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và thu hút dự án lấp đầy trên 30% diện tích đất cho thuê. Qua đó kỳ vọng tạo ra khoảng 20.000 việc làm cho cư dân địa phương và các vùng phụ cận, tham gia đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh…
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/day-manh-dau-tu-ha-tang-cac-khu-cong-nghiep-96127.html