Đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống giao thông nông thôn

Việc đầu tư, phát triển hệ thống giao thông nông thôn, cải tạo, mở mới các tuyến đường trong những năm qua đã góp phần thu hẹp khoảng cách vùng miền, giúp thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, khó khăn là không ít.

Ghi nhận của phóng viên THQHVN tại tỉnh Lạng Sơn.

Đây là hình ảnh sau mỗi buổi tan trường của cô và trò trường mầm non Chi Lăng, ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Vui tươi, náo nức khi đến trường và quyến luyến sau mỗi buổi học, không chỉ vì các em tìm thấy niềm vui mỗi ngày đến lớp, mà còn bởi con đường tới trường, kiếm tìm cái chữ của trẻ em dân tộc thiểu số ở một huyện miền núi đã bớt gian nan hơn, vất vả hơn. Con đường ấy hiểu theo đúng nghĩa thực, là bởi, đôi bàn chân nhỏ xinh của những em nhỏ mầm non nay đã được rảo bước trên con đường nhựa bê tông, thay vì đường đất lầy lội như nhiều năm về trước.

Năm 2016, tỉnh Lạng Sơn ban hành Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 -2020 và năm 2020, tiếp tục là Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021-2025, nhằm triển khai thực hiện cứng hóa các tuyến đường trục xã, trục thôn ngõ xóm, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cũng như tạo điều kiện cho bà con nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn. Và con đường dài 460m nối từ quốc lộ 1A vào trường mầm non Chi Lăng cùng 1 trường tiểu học và 1 chợ dân sinh được hoàn thành vào tháng 9 năm 2022 chính là kết quả của đề án đó.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi nằm ở biên giới phía Bắc và cũng như nhiều địa phương còn khó khăn trên cả nước, để thực hiện mục tiêu cứng hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh là một thách thức lớn.

Nhìn những em nhỏ mầm non hồn nhiên, vui tươi sau mỗi buổi tan trường và sự phấn khởi của bà con nhân dân khi các hoạt động giao lưu, thông thương được thuận tiện, càng cho thấy tầm quan trọng của hệ thống giao thông nông thôn, là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để tiếp tục trợ lực cho các vùng khó khăn, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành, để tạo sự đồng bộ giữa hạ tầng giao thông với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương, để “con đường” đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ không còn xa.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Thanh Hòa Như Huỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/day-manh-dau-tu-phat-trien-he-thong-giao-thong-nong-thon