Đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Ảnh minh họa

Đổi mới KH-CN là một trong những giải pháp then chốt trong thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn hiện nay.

Phú Yên hiện có tổng diện tích đất nông nghiệp là 413.000ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 156.000ha, đất lâm nghiệp 254.000ha, đất nông nghiệp khác 3.000ha.

Trong những năm qua, kinh tế nông nghiệp Phú Yên tiếp tục tăng trưởng, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực, tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành chế biến, từng bước xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Trọng Lực, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết biến đổi bất thường, những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới chưa được phổ biến rộng rãi và ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất dẫn đến năng suất thấp; chi phí và thiệt hại do dịch bệnh khá lớn; sản phẩm tạo ra chưa cạnh tranh được với thị trường.

Cụ thể, ngành trồng trọt đã chú trọng việc đầu tư thâm canh, áp dụng cơ giới hóa, giống mới, đưa quy trình sản xuất tiến bộ vào sản xuất, tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất vẫn còn thấp, chưa đồng đều giữa các khâu.

Ngành chăn nuôi có sự chuyển dịch theo hướng thâm canh, bán công nghiệp và công nghiệp; nhiều hộ chăn nuôi đã đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức chăn nuôi theo mô hình trang trại, nhưng việc ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất chăn nuôi còn ít, chưa tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi; chưa hình thành được chuỗi sản xuất có quy mô lớn…

Để ngành Nông nghiệp phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Theo đó, thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm; đổi mới công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất nhằm thay đổi các phương thức sản xuất truyền thống sang hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đổi mới công nghệ cũng cần gắn với phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, sở hữu trí tuệ, và phát triển giống, vật nuôi bản địa… nhằm xây dựng nền nông nghiệp Phú Yên hiện đại trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.

AN NAM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/253612/day-manh-doi-moi-cong-nghe-trong-san-xuat-nong-nghiep.html