Đẩy mạnh giám sát để không xảy ra các vụ sữa giả, thuốc giả như vừa qua

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian xây dựng dự thảo nghị quyết về kinh tế tư nhân rất ngắn, ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo, để làm sao khi ban hành đi được ngay vào thực tiễn, có tác động mạnh đến khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Chiều 15-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Trước đó, sáng cùng ngày, dự thảo này đã được trình Quốc hội. Nghị quyết sẽ được Quốc hội thông qua ngày 17-5 để quán triệt, triển khai ngay tại hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị vào ngày 18-5 tới.

Bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy kinh tế tư nhân

Thảo luận tại tổ, ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) nhận xét, nghị quyết nêu ra nhiều chính sách rất đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân như đổi mới về thể chế, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, hỗ trợ cho khoa học chuyên sâu, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế... Đây là động lực cho toàn dân phấn khởi tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh và đổi mới công nghệ, dám dấn thân và đầu tư cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên ĐB cho rằng, để nghị quyết đi vào cuộc sống được thì cần phải có các chính sách rất cụ thể, rõ đối tượng, rõ mức hỗ trợ, rõ nguồn tài chính...

 ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội)

ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội)

Về hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy kinh tế tư nhân, dự thảo nghị quyết nêu nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo 10.000 giám đốc điều hành. Theo ĐB Lan, đây là nội dung hết sức quan trọng và thiết thực.

ĐB đề nghị cần rà soát nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, cần số lượng doanh nghiệp tối thiểu để thúc đẩy kinh tế phát triển, từ đó xác định số lượng giám đốc điều hành cần đào tạo cho từng lĩnh vực, xây dựng chương trình đào tạo một cách bài bản để có thể lãnh đạo quản lý doanh nghiệp chuyên nghiệp. Có như vậy thì chúng ta mới có nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy kinh tế tư nhân.

ĐB Lan cũng cho rằng, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các ngành phụ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp như cơ khí, máy móc, vật tư, hóa chất, đặc biệt là các tổ hợp giống lai tiến bộ...

Tuy nhiên, các ngành phụ trợ còn chưa được phát triển, các sản phẩm phụ trợ nông nghiệp phần lớn đều đang phải nhập khẩu, vừa tiêu tốn ngoại tệ vừa không đảm bảo an ninh ngành hàng. ĐB lấy ví dụ, năm 2024, ngành rau quả xuất khẩu đến 7,4 tỷ USD nhưng giống rau lai đơn hiện nay vẫn phải nhập giống của nước ngoài đến hơn 90%, tôm xuất khẩu trên 4 tỷ USD nhưng giống tôm bố mẹ vẫn cơ bản phải nhập giống...

Hạn chế thanh tra chồng chéo

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị không nên thanh tra nhiều lần trong năm đối với doanh nghiệp tư nhân để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Tuy nhiên cũng để hạn chế triệt để các sai phạm, cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan có chức năng thanh tra và các cơ quan khác để bảo đảm thanh tra không quá 1 lần/trong năm, nhưng vẫn bảo đảm được việc thực hiện đúng quy định pháp luật của doanh nghiệp.

 ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh). Ảnh: LÂM NGUYÊN

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh). Ảnh: LÂM NGUYÊN

Cũng quan tâm về vấn đề này, ĐB Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề nghị hoạt động thanh tra phải bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp, ứng dụng công nghệ thông tin để tránh tiếp xúc trực tiếp nhiều có thể dẫn đến sự không minh bạch, thiên vị.

Dù đồng tình việc chuyển mạnh sang cơ chế hậu kiểm, tuy nhiên, ĐB cho rằng, công tác giám sát doanh nghiệp cần được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ sửa giả, thuốc giả như vừa qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) lưu ý cần bảo đảm điều kiện, môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp tư nhân phát triển, ví dụ như điện, đất đai để làm công nghệ cao… Vì nếu không bảo đảm thì lỡ rất nhiều cơ hội như đã từng xảy ra.

 Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 15-5. Ảnh: LÂM NGUYÊN

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 15-5. Ảnh: LÂM NGUYÊN

Phát biểu thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Chính trị, Trung ương đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; đã có Nghị quyết 68; chỉ đạo Quốc hội, Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể có tính cách mạng để kinh tế tư nhân phát triển. Bộ trưởng nêu rõ, những gì thuộc thẩm quyền Chính phủ, Chính phủ sẽ quyết; thuộc thẩm quyền Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục trình.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: LÂM NGUYÊN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: LÂM NGUYÊN

Bộ trưởng cũng cho biết, các chính sách đối với hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải bảo đảm hài hòa, để bảo đảm làm sao hơn 5 triệu hộ kinh doanh có điều kiện phát triển thì sẽ đi vào hoạt động ở môi trường doanh nghiệp, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ thì phát triển thành doanh nghiệp vừa và lớn… Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp với những chính sách ưu đãi lớn hơn.

“Thời gian xây dựng dự thảo nghị quyết rất ngắn, ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, để làm sao khi ban hành đi được ngay vào thực tiễn, có tác động mạnh đến khu vực doanh nghiệp tư nhân”, Bộ trưởng cam kết.

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/day-manh-giam-sat-de-khong-xay-ra-cac-vu-sua-gia-thuoc-gia-nhu-vua-qua-post795408.html