Nghị quyết 68 tạo cơ hội mới cho kinh tế tư nhân
Nghị quyết số 68 về 'Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân' do Bộ Chính trị ban hành được xem là một dấu mốc quan trọng, khẳng định vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân trong công cuộc phát triển đất nước.
Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho khoảng 85% lao động trên cả nước nhưng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo lâu nay vẫn loay hoay trong việc tìm sự hỗ trợ trong cơ chế chính sách, nhất là khi những khái niệm pháp lý về lĩnh vực này vẫn được đề cập một cách mơ hồ.
Với những ưu đãi được đề cập tại Nghị quyết 68, các doanh nghiệp cảm thấy như gỡ được nút thắt bấy lâu nay. Ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Tổng giám đốc CTCP Giải pháp công nghệ Etugi Việt Nam cho biết: "Doanh nghiệp luôn mong muốn đổi mới sáng tạo, tuy nhiên điều này lại liên quan đến ứng dụng các công nghệ mới. Hiện nay, Nghị quyết 68 đã đưa ra những giải pháp để kết nối với các Viện trưởng, mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới đi sâu vào đời sống người dân, đặc biệt trong đó có các ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp tư nhân về thuê đất. Đó là cơ sở để chúng tôi mạnh dạn hơn nữa trong việc đẩy mạnh đầu tư, dám nghĩ dám làm".
Hiện nay, cả nước có khoảng khoảng 5,3 triệu hộ kinh doanh cá thể. Việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ba năm đầu thành lập kể từ thời điểm được cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp lần đầu sẽ là một giải pháp để các hộ kinh doanh có niềm tin, hào hứng và sẵn sàng "lớn lên" thành doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đầy tham vọng đề ra trong Nghị quyết 68 là đến năm 2030, Việt Nam có hai triệu doanh nghiệp và đạt ba triệu vào năm 2045.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết: “Điều chúng ta mong muốn từ Nghị quyết 68 là hơn 5,3 triệu hộ kinh doanh cá thể sẽ trở thành những công ty cổ phần, công ty TNHH. Trong việc liên kết hợp tác, chính phủ cũng mong muốn các doanh nghiệp lớn sẽ là những doanh nghiệp dẫn dắt, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân khác, các hộ kinh doanh trở thành một chuỗi giá trị cung ứng khép kín, Ngân hàng Nhà nước cũng có những hỗ trợ về tài chính, cung cấp nguồn vốn với lãi suất hợp lý để cho doanh nghiệp có nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh".
Một trong những điểm mới trong Nghị quyết 68 được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận là nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước. Điều này sẽ cởi bỏ tâm lý sợ sai, e ngại không dám đầu tư, không dám phát triển.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SB Law cho biết: "Nếu như một doanh nghiệp tư nhân gắn liền với người lãnh đạo, người sáng lập; sau đó những người lãnh đạo, người sáng lập ấy lỡ để ra sai phạm thì thường các doanh nghiệp tư nhân sẽ sụp đổ theo. Do đó, tôi nghĩ đây là một cơ chế giúp các doanh nghiệp nếu xảy ra sai phạm kinh tế, sẽ có cơ hội khắc phục thay vì ngay lập tức áp dụng những biện pháp hình sự như hiện nay".
Như vậy, để Nghị quyết 68 đi vào đời sống cần khẩn trương hoàn thiện thể chế pháp luật, bảo đảm sự minh bạch, an toàn và công bằng cho doanh nghiệp tư nhân.