Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh trung học
Trong bối cảnh già hóa dân số có xu hướng tăng nhanh, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện căn cơ, bài bản, tổng thể phù hợp với bối cảnh, áp dụng được vào thực tiễn.
Ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” (Đề án 522). Đề án nhấn mạnh việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục hướng nghiệp, gắn kết với thực tiễn sản xuất và nhu cầu xã hội, đồng thời thúc đẩy các biện pháp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) vào giáo dục nghề nghiệp.
Triển khai Đề án, việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp tại các trường THCS và THPT đã đạt được nhiều kết quả, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng nghề nghiệp.
Trong đó, ở cấp THCS, tỷ lệ các trường tổ chức chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của địa phương đạt 68,52%, vượt chỉ tiêu đề ra là 55%.
Ở cấp THPT, có 75,93% các trường thực hiện, vượt mức mục tiêu ban đầu 60%. Tỷ lệ trường có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cấp THCS đạt 74,07%, cấp THPT đạt 77,78%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Đặc biệt, thời gian qua, việc tích hợp giáo dục STEM vào các môn học đã giúp học sinh sớm nhận thức, nâng cao tính ứng dụng và định hướng nghề nghiệp thông qua các hoạt động thực hành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học. Đồng thời giúp nâng cao tính ứng dụng và khả năng thích nghi của học sinh với các lĩnh vực công việc trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Tiểu ban Giáo dục phổ thông - nhấn mạnh, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh là nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Giáo dục hướng nghiệp không tốt có thể gây lãng phí, cả về thời gian, tiền bạc và nguồn nhân lực quốc gia.
Do đó, cần có cách tiếp cận hệ thống, toàn diện để có giải pháp hiệu quả hơn đối với công tác này. Trong đó, giáo dục phổ thông vẫn giữ vai trò quan trọng, là kiến thức nền tảng cho giáo dục nghề nghiệp cũng như học tập suốt đời.
Đồng thời, cần sớm xây dựng Nghị định về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; không nên áp chỉ tiêu cứng mà để các địa phương quyết định căn cứ tình hình thực tiễn; làm tốt công tác dự báo nhu cầu và định hướng phát triển nghề nghiệp các lĩnh vực. Đặc biệt, giáo dục hướng nghiệp phải phân luồng thực sự theo năng lực của học sinh, để các em thấy được mình cần gì, khả năng của mình đến đâu và làm thế nào để đạt được mục tiêu đặt ra./.