Đẩy mạnh giao thương sản phẩm thời trang Việt Nam – Nam Mỹ
Nam Mỹ được xem là thị trường lớn của hàng dệt may Việt Nam và việc đẩy mạnh giao thương sản phẩm thời trang sang thị trường này đang được tích cực triển khai.
Cục Xúc tiến thương mại và các Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam - Nam Mỹ 2022” tối ngày 9/5 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kết nối đối tác tiềm năng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, quảng bá thương hiệu sản phẩm thời trang và hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường thương mại quan trọng khu vực Nam Mỹ.
Việt Nam – Nam Mỹ: Cơ hội thương mại rộng mở
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam - cho biết: Chính phủ Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp thích ứng linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn hậu COVID-19, tận dụng các thời cơ từ những điều kiện kinh tế mới để phát triển. Để duy trì đà tăng trưởng và ứng phó với thách thức, Việt Nam đang tiếp tục nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung phát triển ngành chế biến – chế tạo về chiều sâu trong đó có ngành thời trang. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành để triển khai thực hiện các Hiệp định CPTPP, Việt Nam - Chile FTA.
Dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng theo ông Tài, mối quan hệ thương mại Việt Nam – Nam Mỹ chưa tương xứng với triển vọng, đặc biệt đối với lĩnh vực thời trang. Nguyên nhân có thể kể đến như: Vị trí địa lý khá xa xôi, văn hóa giữa các quốc gia khác biệt, thiếu thông tin về năng lực và nhu cầu giữa doanh nghiệp hai bên, các hoạt động xúc tiến thương mại còn ít hoặc chưa đạt hiệu quả cao.
Theo ông Ngô Xuân Tỵ - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil, với lợi thế có diện tích lớn, dân số đông, Brazil có ưu thế về thị trường trong khu vực. Thêm vào đó, kinh tế Brazil nằm trong top 11 thế giới cho thấy tiềm năng thương mại lớn đối với các quốc gia đầu tư. Một số sản phẩm như: hàng dệt may trực tiếp xuất khẩu đạt 12,8 triệu USD, các mặt hàng khác đạt khoảng 9 triệu USD, vải kỹ thuật các loại khoảng 5 tr USD (tăng 15,4%).
“Ngành dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động và chi phí sản xuất thấp, điều kiện ở Brazil thì ngược lại, vì vậy sẽ có cơ hội cho Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm dệt may.” – ông Tỵ nhấn mạnh. Lợi thế có diện tích lớn, dân số đông đã khiến thị trường tiêu thụ của Brazil trở thành những khu dân cư sầm uất, sống động. Brazil xuất khẩu chủ yếu vào Argentina, Paraguay, Mỹ, Uruguay, Peru, Chile, Mexico và nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Paraguay, Việt Nam.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS thông tin chi tiết về kim ngạch xuất khẩu 2021: Dù bị ảnh hưởng do COVID19 nhưng tới năm 2021 Việt Nam đã vực dậy (đạt khoảng 40 triệu USD) và thậm chí phát triển hơn thời kỳ trước dịch 2019 (khoảng 38,8 triệu USD).
Ông tự tin Việt Nam có thể thực hiện kịch bản tích cực nhất trong năm 2022: Kim ngạch xuất khẩu đạt 42,5 – 43,5 tỷ USD, dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 5% đến 6% - Mục tiêu đến 2030 đạt 68-70 tỷ USD. Để đạt được kết quả như kỳ vọng, cần bám sát mô hình kinh doanh bền vững (PPP): Đảm bảo quyền con người (cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện thu nhập, quan hệ lao động hài hòa); tối ưu lợi nhuận (giảm thiểu rủi ro, cắt giảm chi phí, tăng trưởng kinh doanh); bảo vệ môi trường (Giảm rác thải, xử lý nước, năng lượng tái tạo; tái chế; truy xuất nguồn gốc).
Nam Mỹ- Thị trường tiềm năng cho hàng dệt may Việt Nam
Ông Trương Văn Cẩm thông tin về thực trạng xuất nhập khẩu dệt may giữa Việt Nam – Nam Mỹ: Nam Mỹ là thị trường thời trang rất tiềm năng với dân số trên 437 triệu người và mức thu nhập bình quân đầu người vào loại khá cao.
Tuy nhiên, xuất nhập khẩu của dệt may Việt Nam sang các nước khu vực này rất khiêm tốn: Xuất khẩu chỉ đạt từ 30-200 triệu USD/năm, cao nhất là Brazil (150-200 triệu USD), nhập khẩu chỉ tập trung vào nhập khẩu bông.
Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu và thị trường xuất nhập khẩu, cũng như định hình lại chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp cả phía Việt Nam và các nước khu vực Nam Mỹ rất cao.
Hiện hai bên đang hợp tác để hình thành chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam và các nước Nam Mỹ, nhất là các nước đã ký FTA với Việt Nam, ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực: nguyên phụ liệu; quá trình dệt, nhuộm vải. Áp dụng các tiêu chí phát triển bền vững: xử lý, tái sử dụng nước thải, công nghệ tiên tiến tiết kiệm nước, điện, đảm bảo điều kiện làm việc, tiêu chuẩn lao động.
Theo ông Cẩm, bởi các hoạt động xúc tiến thương mại chưa đạt hiệu quả nên các nhà đầu tư Nam Mỹ chưa có nhiều cơ hội hiểu về thị trường Việt Nam. Thêm vào đó, hầu hết các nước lớn khu vực Nam Mỹ chưa ký kết FTA với Việt Nam (Brazil, Columbia, Argentina). Vì vậy, ông Cẩm đề nghị sớm xúc tiến khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và Việt Nam để doanh nghiệp dệt may Việt Nam và các nước Nam Mỹ hợp tác phát triển cùng có lợi.
Tự thực tế trên, các chuyên gia cho rằng: Cần tận dụng lợi thế VCFTA vào lĩnh vực này để đạt hiệu quả tối đa; hướng tới ký kết các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia Nam Mỹ để tạo cầu nối song phương; đẩy nhanh quá trình sản xuất và chú trọng bình ổn giá, chất lượng sản phẩm cũng như chi phí vận chuyển để đảm bảo hợp tác lâu dài.
Ngoài ra, bà Salka Tennen – Công ty Té verde - cho rằng: Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng làm bằng lụa. Ở Việt Nam, ngành lụa hiện tại đang phát triển với nhiều thiết kế mới và mặt hàng thú vị, có tiềm năng trở thành thế mạnh và mở rộng cơ hội hợp tác với các nước.
Ông Sergio Arevalo – Công ty Villalobos Modas nhấn mạnh: Dịch bệnh đã khiến nhiều công ty và trung tâm thương mại đóng cửa, thị trường sản xuất dệt may chững lại, các nhà máy phải thay đổi phương thức sản xuất. Gần đây, các nhà máy đã quay lại hoạt động với tốc độ nhanh, nhu cầu và tốc độ tiêu thụ tăng cao; ngoài ra sự xuất hiện của hình thức thương mại điện tử đã khiến nó trở thành phương thức quảng bá và giao thương chủ đạo.
Việt Nga - Linh Chi