Đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản địa phương
Kết nối cung cầu
Trong một tuần diễn ra, Hội chợ thương mại, nông sản và thiết bị nông nghiệp huyện Phú Giáo có sự tham gia của 25 gian hàng thương mại và 28 gian hàng nông sản, thiết bị máy móc nông nghiệp. Các sản phẩm công nghệ chế biến được trưng bày, giới thiệu, như: Công nghệ sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, thiết bị cất tinh dầu bưởi, máy sấy năng lượng mặt trời, quy trình chế biến sản phẩm chuối, thiết bị công nghệ tưới tự động, các sản phẩm giống cây trồng và sản phẩm phân bón hữu cơ. Nổi bật, có rất nhiều sản phẩm trái cây được các nhà vườn, trang trại, hợp tác xã (HTX), khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện sản xuất, cung ứng với giá cả hợp lý. Đây là những sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm OCOP của địa phương.
Đại biểu và khách hàng tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Phú Giáo
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), cho biết: “Hội chợ tạo cơ hội quảng bá sản phẩm nông nghiệp của huyện đến với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài địa bàn tỉnh. Chúng tôi luôn tâm niệm làm nông sản sạch, chất lượng để phục vụ thị trường. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục áp dụng quy trình sản xuất sạch, hữu cơ giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông sản”.
Ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết tại hội chợ có rất nhiều đơn vị có sản phẩm nổi tiếng tham gia trưng bày và quảng bá. Đây là dịp để Phú Giáo giới thiệu rộng rãi đến nhân dân trong và ngoài địa phương về tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp của huyện. Đồng thời, là dịp để nông dân được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và tiếp cận những thành tựu, sản phẩm, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp từ các đơn vị tham gia hội chợ, từ đó hình thành sự gắn kết và ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học và kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất, chế biến nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Giải pháp nâng cao giá trị nông sản
Thời gian qua, kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Giáo tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện, chuyển dịch theo hướng tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ. Trong nông nghiệp, các mô hình tưới tiêu, phun thuốc dần được công nghệ hóa theo hướng tự động. Đến nay, tổng diện tích cây trồng trên địa bàn huyện hơn 38.000 ha. Trong đó, cây cao su chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng diện tích hơn 35.000 ha. Diện tích cây ăn trái chiếm tỷ trọng nhỏ, chỉ khoảng hơn 1.500 ha nhưng cho giá trị kinh tế khá cao. Trong đó, cây dưa lưới là sản phẩm được ưa chuộng, huyện hiện có hơn 32 ha; sầu riêng với 240 ha và nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế khác.
Bên cạnh đó, chăn nuôi của huyện dần được áp dụng các công nghệ tiên tiến, tỷ lệ trại lạnh chiếm đa số, dần giảm thiểu rõ rệt các hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu; qua đó góp phần tăng năng suất lao động, tăng giá trị kinh tế cho người nông dân, giảm thiểu dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là giảm ô nhiễm môi trường. Hiện nay, quy mô chăn nuôi huyện Phú Giáo đạt khoảng 500.000 con gia súc và 3.500 con gia cầm, có 70 đơn vị được chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thực tế, vùng trồng nông sản chủ lực của huyện có tập trung, nhưng thiếu sự liên kết hình thành các mô hình sản xuất lớn. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới quy trình trong sản xuất còn chậm, năng suất, chất lượng, giá trị nhiều loại nông sản còn thấp, giá thành cao, sức cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, chưa có nhiều diện tích tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản chủ lực với các doanh nghiệp theo chuỗi bền vững.
Để phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện được ổn định, phù hợp với địa lý và tự nhiên, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của đất, ông Văn Quang Chinh cho biết huyện Phú Giáo đã xây dựng quy hoạch vùng huyện tầm nhìn đến năm 2040. Trong đó, tập trung phát triển thêm 6 khu nông nghiệp công nghệ cao, bảo đảm phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực, địa phương sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc để hướng đến xây dựng quy trình sản xuất đạt quy chuẩn quy định. Các ngành, các cấp trên địa bàn huyện cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin, giới thiệu sản phẩm chủ lực tại các hội chợ, hội thi về sản phẩm nông nghiệp; đồng thời liên kết các hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua HTX, tổ hợp tác hoặc liên kết làm đầu mối cho doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị sản xuất, đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm..