Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo
Xác định tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công cho các doanh nghiệp và sự hưng thịnh cho đất nước, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp sáng tạo, ngày 18-2-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Sự hỗ trợ từ trung ương đến các tỉnh, thành phố sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: Triển lãm các sản phẩm công nghệ tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019 thu hút rất đông người tham quan. Ảnh: TTXVN
Vẫn còn những rào cản…
Theo Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia công bố mới đây thì Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, nếu năm 2012, Việt Nam chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thì đến năm 2019 con số này là hơn 3.000 doanh nghiệp.
Đảm nhiệm vai trò tạo lập môi trường bền vững, thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" với mục tiêu cùng với các địa phương hỗ trợ những tổ chức trung gian khởi nghiệp, thúc đẩy kinh doanh, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo…
Với định hướng xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước, thành phố Hà Nội phấn đấu đi tiên phong về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng; tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, tháng 9-2019, UBND thành phố đã phê duyệt “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019-2025”. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm hỗ trợ, phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, môi trường khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, cần được cải thiện. Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học, công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, tuy môi trường khởi nghiệp sáng tạo đã có nhiều cải thiện, giúp cho người tham gia khởi sự kinh doanh tăng lên, song hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của nước ta còn tồn tại nhiều rào cản, kém sức cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực. Môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi cho khởi nghiệp, quy định về điều kiện kinh doanh chưa phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; thiếu hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu; hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước hạn chế, thủ tục phức tạp; chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ mới...
Ông Phan Vinh, Giám đốc Công ty Dịch vụ năng lượng viễn thông (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Để đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng khi mới thành lập, như: Tài sản thế chấp, dự án khả thi, minh chứng đủ dòng tiền, kế hoạch... là không hề đơn giản. Chính vì vậy, chúng tôi phải huy động vốn từ các mối quan hệ, sau mới đến phương án đi vay. Chúng tôi cũng muốn tiếp cận với nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, nhưng không thực hiện được, do sợi dây kết nối giữa doanh nghiệp và quỹ đầu tư còn hạn chế”.
Điều này cũng được thể hiện rõ, trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm thành phố Hà Nội có khoảng 20.000 doanh nghiệp thành lập mới. Thế nhưng, số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư rất ít, chiếm khoảng 0,1% tổng số các doanh nghiệp khởi nghiệp và phần lớn có quy mô nhỏ và vừa.
Hội thảo “Hội tụ nguồn lực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo địa phương” do Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” thu hút nhiều đại biểu tham dự. Ảnh: Sơn Hà
Cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Để đẩy mạnh hơn nữa khởi nghiệp sáng tạo và giải quyết những bất cập cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ngày 18-2-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, yêu cầu các bộ, ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp này hoạt động.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, để thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg, Hà Nội dự kiến thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố để thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, hỗ trợ hình thành từ 3 đến 5 vườn ươm doanh nghiệp hoặc không gian khởi nghiệp chung để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ cho khoảng 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo và 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó có ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh chỉ rõ nhiệm vụ của ngành Khoa học và Công nghệ trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đó là phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, định hướng phát triển, mở rộng mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ để bảo đảm lấy doanh nghiệp làm trung tâm của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ, đổi mới công nghệ; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu công nghệ, nhất là công nghệ đã qua sử dụng, khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao.
“Hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, ưu tiên kết nối với các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có điều kiện thuận lợi thâm nhập thị trường”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Với sự vào cuộc tích cực từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, tin rằng thời gian tới, những điểm sáng mới về khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước tiếp tục được hình thành, góp phần xây dựng, phát triển hệ sinh thái phù hợp với từng giai đoạn của mỗi địa phương, khu vực và vùng kinh tế trọng điểm.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/960649/day-manh-ho-tro-khoi-nghiep-sang-tao