Đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân

Nhằm giúp hội viên nông dân tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên. Qua đó, giúp nông dân có thêm kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Với phương châm “Nông dân cần nghề gì, dạy nghề đó”, HND tỉnh chỉ đạo HND các cấp khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân cũng như tình hình thực tế của từng địa phương xây dựng định hướng, kế hoạch dạy nghề cho nông dân sát với điều kiện thực tế, dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Các lớp dạy nghề được tổ chức ngay tại địa phương để nông dân không phải đi xa, có điều kiện thu xếp công việc hợp lý tham gia khóa học. Tài liệu phục vụ giảng dạy được các giảng viên chuẩn bị ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Học viên trực tiếp thực hành những kiến thức đã học, có sự hướng dẫn của giảng viên. Đồng thời, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nông dân về các chính sách hỗ trợ học nghề, lợi ích của việc học nghề. Phối hợp, liên kết với các đơn vị tổ chức dạy nghề cung ứng lao động cho các doanh nghiệp; phối hợp tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho nông dân; xây dựng các mô hình trình diễn cây giống, con giống mới, tổ chức hội thảo, tham quan để nông dân trao đổi, học tập kinh nghiệm... Qua đó, học viên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động.

Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội phối hợp tổ chức 23 lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng cho 1.202 hội viên và lao động nông thôn; HND tỉnh phối hợp với HDN các huyện, Thành phố tổ chức 40 hội nghị truyền thông phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại các xã với hơn 3.000 hội viên, nông dân tham gia. Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp, HND tỉnh phối hợp với Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề trồng gia vị hành, tỏi, ớt và nuôi gà cho 65 học viên là các đối tượng đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; tổ chức 7 cuộc bế giảng, tổng kết các lớp dạy nghề trồng cây làm gia vị, chăm sóc phòng trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 240 hội viên. Tất cả các lớp học thực hiện theo phương thức cầm tay chỉ việc, giúp học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và có việc làm ổn định trên địa bàn tỉnh.

Các cấp Hội thường xuyên vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tích cực học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp; tăng cường liên kết trong sản xuất, tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác... Đẩy mạnh hướng dẫn hội viên, nông dân đổi mới tư duy, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản; tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh, từ đó ứng dụng những công nghệ mới, đầu tư chiều sâu vào ngành nghề sẵn có, làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng.

anh Nông Trung Tiến, xóm Hòa Mục, xã Trường Hà (Hà Quảng) sửa chữa máy nông nghiệp cho gia đình và phục vụ người dân địa phương.

anh Nông Trung Tiến, xóm Hòa Mục, xã Trường Hà (Hà Quảng) sửa chữa máy nông nghiệp cho gia đình và phục vụ người dân địa phương.

Các cấp HND tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, dư nợ tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 16.594 tỷ đồng cho 367 hộ vay; dư nợ nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội 1.345,790 tỷ đồng cho 18.730 hộ vay. Riêng với nguồn vốn Quỹ “Hỗ trợ nông dân” hiện đang quản lý 74,434 tỷ đồng, HND các cấp trong tỉnh hỗ trợ 3.826 hội viên vay 78 tỷ 640 triệu đồng thông qua 385 dự án. Các dự án sau khi được vay vốn đem lại hiệu quả kinh tế cho hội viên, nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất liên kết, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.

Được tham gia lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh Trương Văn Công, xã Cần Yên (Hà Quảng) xây dựng mô hình chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ cao. Anh chia sẻ: Gia đình tôi chăn nuôi lợn nhiều năm nhưng chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, muốn chăn nuôi quy mô lớn nhưng thiếu kiến thức chăn nuôi, thú y. Mỗi khi cần điều trị cho lợn hay phối giống cho lợn, gia đình phải thuê người về làm, vì thế chi phí tăng cao, lợi nhuận thấp. Được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, thú y do huyện tổ chức giúp tôi có kiến thức phát hiện và điều trị các loại bệnh thường gặp ở lợn, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tôi biết cách chọn giống lợn đạt tiêu chuẩn, kỹ thuật pha trộn thức ăn giúp đàn lợn sinh trưởng tốt, chất lượng thịt cao. Đến nay, tôi đầu tư xây dựng trang trại rộng khoảng gần 1.000 m2, nuôi 40 con lợn nái, hơn 400 con lợn thịt, thu nhập mỗi năm 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 1 - 2 lao động, mỗi lao động 5 triệu đồng/tháng.

Để đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân, HND các cấp tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của hội viên, nông dân, từ đó định hướng những ngành nghề phù hợp; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tư vấn việc làm cho hội viên, nông dân có nhu cầu. Tích cực hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, thiết lập liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và quảng bá tiêu thụ nông sản, hàng hóa… qua đó, phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề, nâng thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các địa phương tiếp tục duy trì,̀ nâng cao chất lượng đào tạo nghề và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ngọc Dung

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/day-manh-hoat-dong-day-nghe-tao-viec-lam-cho-nong-dan-3172207.html