Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ
BHG - Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới và có những kết quả nghiên cứu khoa học tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, đóng góp tích cực cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Giám đốc Sở KH&CN Phan Đăng Đông, cho biết: Hoạt động KH&CN đã bám sát 3 khâu đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra và các Nghị quyết chuyên đề của tỉnh để tham mưu định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về KH&CN. Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu ban hành 9 chương trình, đề án, kế hoạch để triển khai; tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện 51 nhiệm vụ. Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN đã có 17 quy trình kỹ thuật công nghệ được nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất trên các lĩnh vực nông lâm nghiệp, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu của tỉnh; 68 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật được triển khai vào sản xuất và đời sống, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Các nhiệm vụ KH&CN đã được triển khai theo hướng phục vụ cho việc phát triển, nâng cao giá trị cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: chè Shan tuyết, dược liệu, bò Vàng, phát triển du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ chế biến các sản phẩm nông, lâm sản và dược liệu.
Trong sản xuất nông nghiệp, đối với đề tài ‘‘Nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang” đã điều tra và xác định được 100 cây chè cổ thụ đầu dòng; quần thể chè Tây Côn Lĩnh được công nhận 1.300 cây chè Di sản Việt Nam. Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh sản phối giống chủ động nhằm cải tạo và nhân nhanh đàn bò vùng Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang” đã chuyển giao thành công cho đội ngũ cán bộ thú y 4 huyện vùng cao về quy trình gây động dục hàng loạt và thụ tinh nhân tạo chủ động cho đàn bò, tạo ra 514 con bê khỏe mạnh góp phần nhân nhanh đàn bò địa phương.
Đối với lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ đã nghiên cứu chuyển giao được nhiều quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến cho các doanh nghiệp, HTX ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm của địa phương như: Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nấm đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) trên giá thể gạo lứt và các ký chủ khác nhau tại tỉnh Hà Giang” đã chuyển giao thành công cho Công ty Cổ phần Phát triển Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam chi nhánh Hà Giang làm chủ. Bên cạnh đó, lĩnh vực du lịch đã xây dựng 1 mô hình nhà trình tường phù hợp với văn hóa người Mông tại huyện Đồng Văn, qua đó lựa chọn được công nghệ phù hợp xây dựng nhà trình tường của người Mông sử dụng vật liệu địa phương, khắc phục được những hạn chế của nhà trình tường tại Việt Nam. Mô hình nhà trình tường là một trong 18 tiêu chí để phục vụ tái đánh giá công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 vừa qua. Các mô hình nhà nông làm du lịch, du lịch cộng đồng được các địa phương đang triển khai nhân rộng có hiệu quả.
Thông qua kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, đến nay đã có 8 sản phẩm của địa phương được Bộ KH&CN cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, 14 nhãn hiệu chứng nhận; 3 nhãn hiệu tập thể và 135 nhãn hiệu thông thường. Qua đó góp phần nâng cao thương hiệu, giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị tường, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện các chương trình hợp tác đã ký kết về phát triển khoa học với các đơn vị nghiên cứu Trung ương; tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình của các bộ ngành ở Trung ương để giải quyết những vấn đề KH&CN tại địa phương. Tăng cường giao lưu hợp tác và tranh thủ các chương trình hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp cho hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh.