Đẩy mạnh hoạt động 'Stem Robotics' trong trường học

Những năm qua, các trường THPT và các đơn vị phòng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tổ chức hoạt động Stem Robotics (môn học kết hợp giữa các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để tạo ra các rô bốt) cho học sinh tham gia, qua đó vừa tạo sân chơi bổ ích vừa giúp các em phát triển tư duy sáng tạo.

Học sinh tham dự cuộc thi lập trình điều khiển rôbốt do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan tổ chức

Học sinh tham dự cuộc thi lập trình điều khiển rôbốt do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan tổ chức

Nhằm phát triển tư duy sáng tạo và năng lực của học sinh, 2 năm học vừa qua mô hình giáo dục Stem (khoa học, công nghệ, toán học, kỹ thuật) đã được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh triển khai. Nổi bật nhất là hoạt động Stem robotics ở cấp THCS và THPT, ở 2 cấp học này, các nhà trường đã chú trọng thành lập câu lạc bộ Stem Robotics (với gần 100 câu lạc bộ) để học sinh nghiên cứu lập trình, lắp ráp, điều khiển robot. Bên cạnh đó, nhằm lan tỏa mô hình giáo dục Stem và để học sinh thể hiện năng lực sáng tạo, các đơn vị còn chú trọng tổ chức cuộc thi lập trình, điều khiển rô bốt để học sinh tham dự.

Trong năm học 2022 – 2023 vừa qua, cụ thể vào ngày 27/5/2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Sơn đã tổ chức cuộc thi lập trình, điều khiển rô bốt. Tham gia cuộc thi có 24 đội với 48 thí sinh đến từ 19 trường THCS trên địa bàn huyện. Với chủ đề “Chào mừng ngày giải phóng Miền Nam”, nội dung cuộc thi tập trung vào lập trình điều khiển robot, tìm đường di chuyển, gắp thả các vật, lấy cờ và di chuyển tới cổng Dinh Độc lập cắm cờ vào vị trí quy định. Trong 1 ngày thi đấu, các đội thi đã rất hào hứng, sôi nổi tranh tài điều khiển rô bốt để chinh phục các mục tiêu, nhiệm vụ mà Ban Tổ chức đưa ra.

Trước đó, vào ngày 6/5, tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan cũng đã diễn ra cuộc thi lập trình điều khiển rô bốt của 25 đội với 50 học sinh tham gia. Chủ đề “Chinh phục đèo Lùng Pa”, nội dung cuộc thi tập trung vào lập trình điều khiển Rô bốt Kcbot – Ino, tìm đường di chuyển, gắp thả các vật để chinh phục đèo Lùng Pa. Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Tại cuộc thi, không chỉ học trò được tranh tài, mà bản thân những giáo viên, chủ nhiệm câu lạc bộ cũng được học hỏi và chia sẻ kỹ thuật lập trình, đẩy mạnh hoạt động câu lạc bộ rô bốt của các trường, đồng thời góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục.

Nếu như năm học 2020 – 2021 khi bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mới chỉ có một số đơn vị thành lập câu lạc bộ Stem robotics, thì đến nay đã có gần 100 câu lạc bộ được thành lập ở các nhà trường. Cùng đó, hằng năm các đơn vị, trường học còn tích cực tổ chức cuộc thi cấp cơ sở. Ghi nhận đến cuối năm học 2022 – 2023 đã có 100% phòng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh và trên 90% các trường THPT thường xuyên tổ chức luyện tập, trình diễn và tổ chức thi lập trình điều khiển rô bốt cấp cơ sở, thu hút hơn 1.000 lượt học sinh tham dự. Thông qua các cuộc thi này, các đơn vị đã tuyển chọn được các đội thi đấu xuất sắc để tham dự giải cấp tỉnh.

Em Nông Thị Ngọc Hạ, học sinh lớp 12A8, Trường THPT Bình Gia cho biết: Trong thời gian học tại trường với niềm đam mê lập trình điều khiển rô bốt, em đã đăng ký và được nhà trường chọn vào câu lạc bộ Stem Robotics với 20 thành viên. Đầu năm học 2022 – 2023 vừa qua, đội của em đã thi đấu khá thành công tại Giải đấu giao hữu robotics cấp quốc gia sử dụng VEX IQ 2022 do STEAM for Vietnam tổ chức tại Hà Nội, với thứ hạng chung cuộc 18/50. Đó cũng là động lực để em tiếp tục nuôi dưỡng đam mê sáng tạo của bản thân và tạo động lực để em học tập tốt hơn.

Để mô hình Stem Robotics đạt hiệu quả, ngành giáo dục và đào tạo đã hướng dẫn, chỉ đạo mỗi trường THPT và THCS phải triển khai ít nhất 2 – 4 chủ đề Stem trong một năm học, mỗi chủ đề kéo dài ít nhất 3 tiết gồm: tiết giao nhiệm vụ, tiết học sinh tìm tòi giải quyết vấn đề và tiết báo cáo kết quả. Đồng thời, phân bổ hơn 100 rô bốt do Liên minh Stem Việt Nam tặng cho các trường THPT và các phòng giáo dục và đào tạo; tổ chức tập huấn Stem cho 100% đơn vị, trường học trực thuộc, qua đó giúp các đơn vị có nguồn học liệu để hướng dẫn, đào tạo học sinh nghiên cứu, trải nghiệm và sáng tạo sản phẩm.

Những sân chơi Stem đã và đang thực sự khơi nguồn đam mê sáng tạo, lan tỏa tình yêu khoa học trong mỗi học sinh. Thông qua đó thúc đẩy nhận thức và phát huy vai trò tiên phong của tuổi trẻ trong việc chủ động nắm bắt xu hướng thời đại, nghiên cứu các nền tảng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo. Trong thời gian tới, các đơn vị, trường học sẽ tiếp tục đổi mới, thúc đẩy hoạt động Stem Robotics nhằm giúp các em học sinh vừa có sân chơi vừa phát triển khả năng sáng tạo, góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/615387-day-manh-hoat-dong-stem-robotics-trong-truong-hoc.html