Đẩy mạnh liên kết, chế biến chè
Lào Cai xác định chè là 1 trong 6 ngành hàng chủ lực theo Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về 'Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050'.
Hiện tổng diện tích chè tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 7.346 ha (chè kinh doanh 4.868 ha, chè kiến thiết cơ bản 2.478 ha), trong đó Mường Khương có 4.915 ha, Bảo Thắng 509 ha, Bảo Yên 559 ha, Bắc Hà 960 ha, Bát Xát 209 ha, thành phố Lào Cai 163 ha, thị xã Sa Pa 31 ha… Năm 2022, năng suất bình quân chè kinh doanh đạt 76,3 tạ/ha, bằng 78,3% so với năng suất chè bình quân chung toàn quốc (năng suất chè toàn quốc đạt 97,5 tạ/ha); sản lượng thu hoạch đạt 39.155 tấn chè búp tươi.
Toàn tỉnh hiện có 827,5 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, trong đó 100 ha sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Lương Sơn và xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên); 696,5 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà; 31 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của Công ty TNHH Lợi Sơn Điền, với công nghệ chế biến chè Ô long, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Đài Loan.
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng chè tập trung, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Đặc biệt, tỉnh đã phát triển được vùng chè tại các xã vùng cao với hàng nghìn ha được áp dụng kỹ thuật thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sản xuất chè hữu cơ, chè chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Chất lượng vùng chè nâng lên rõ rệt, hình thành liên kết chế biến chề ổn định tại các huyện: Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng. Các sản phẩm chè ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, như chè sao lăn, chè xanh, chè Ô long, chè hương nhài...
Mường Khương là một trong những địa phương tiên phong trong việc thúc đẩy ngành hàng chè phát triển. Không chỉ duy trì phát triển vùng nguyên liệu, huyện Mường Khương còn triển khai nhiều giải pháp trong việc tăng cường liên kết sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm chè. Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Huyện đã mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư chế biến chè chất lượng cao. Hiện trên địa bàn đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người trồng chè để trồng, chế biến chè, như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển trà Tiên Thiên; Hợp tác xã Chè Mường Khương, Hợp tác xã Chè Bản Sen, Công ty TNHH Mường Hoa… Đã có nhiều sản phẩm chè chất lượng cao của Mường Khương được cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước.
Điều đáng nói, Lào Cai đã có nhiều vùng chè năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như Lùng Vai, Cao Sơn (Mường Khương), Phong Hải, Phú Nhuận (Bảo Thắng), Bản Liền (Bắc Hà)… Một số sản phẩm chè đã đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao (trong đó sản phẩm chè của Hợp tác xã Chè Bản Liền - Bắc Hà đạt 5 sao).
Theo kế hoạch, năm 2023, diện tích chè trồng mới là 1.055 ha. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích chè tập trung toàn tỉnh đạt 8.420 ha và đầu tư thâm canh hơn 5.000 ha chè kinh doanh theo hướng sản xuất an toàn; năng suất trên 10 tấn búp tươi/ha/năm. Cùng với đó, đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thâm canh, nâng cao chất lượng chè búp tươi, chế biến chè chất lượng, giá trị cao.
Dự kiến, sản lượng năm 2023 đạt 40.790 tấn chè búp tươi. Tính đến hết tháng 8/2023, sản lượng chè búp tươi đạt 31.000 tấn, giá trị hơn 217 tỷ đồng, sản lượng chế biến hơn 6.200 tấn chè khô, giá trị hơn 342 tỷ đồng…
Đến nay, tỉnh Lào Cai đã xây dựng được chỉ tiêu định hướng rất rõ ràng cho việc phát triển ngành chè đến năm 2025 và năm 2030, trong đó xác định huy động nguồn lực khoảng 187 tỷ đồng cho phát triển chè giai đoạn 2021 - 2025.
Lào Cai còn nhiều dư địa để tăng sự đa dạng của sản phẩm thông qua đẩy mạnh chế biến chè đặc sản, chè đen, chè có thương hiệu và bao gói đa dạng. Bên cạnh đó, diện tích vùng nguyên liệu chè có chứng nhận hữu cơ, VietGAP và truy xuất nguồn gốc hiện chỉ chiếm 12,3% tổng diện tích chè hiện có nên việc đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu chè đặc sản, chè hữu cơ có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc rõ ràng sẽ giúp chè Lào Cai tiếp cận tốt hơn thị trường phân khúc cao cấp.
Theo báo cáo đánh giá về ngành hàng chè của nhóm tư vấn Dự án GREAT thực hiện tại tỉnh Lào Cai, để ngành chè Lào Cai thay đổi mạnh mẽ hơn trong những năm tới, rất cần sự tham gia chủ động của các doanh nghiệp đầu ngành. Ngoài những doanh nghiệp đang có mô hình kinh doanh, sản phẩm và thị trường tiêu thụ tốt như Công ty TNHH Lợi Sơn Điền, Hợp tác xã Chè Bản Liền, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển trà Tiên Thiên, Công ty TNHH Chè Đại Hưng, các công ty có vùng nguyên liệu và số lượng hộ nông dân liên kết lớn, như Công ty Cổ phần Phong Hải và Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình cần có sự chuyển đổi về thị trường, mô hình kinh doanh, tăng cường áp dụng chứng nhận cho vùng nguyên liệu chè hiện tại và đa dạng cơ cấu sản phẩm, từ đó tạo động lực để nông dân và doanh nghiệp nâng cấp chuỗi giá trị.
Thị trường chè Lào Cai được chia làm 3 phân khúc chính: Phân khúc cao cấp với thị trường xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ, Canada và thị trường nội tiêu; phân khúc thị trường chè trung bình với thị trường xuất khẩu chính là Đài Loan và nội tiêu; phân khúc chè cấp thấp với thị trường xuất khẩu chính là Trung Đông (Pakistan, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ) và Nga.
Dự báo thị trường chè tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Giá chè sẽ có xu hướng tăng trong ngắn hạn bởi nguồn cung thiếu hụt do sự gián đoạn ở nhiều nước sản xuất chè trên toàn thế giới. Đây là thời điểm thích hợp để ngành chè Lào Cai đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thị phần trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, thu nhập khả dụng của người tiêu dùng tăng đã cho phép các nhà sản xuất trà giới thiệu các sản phẩm cao cấp và hướng đến sức khỏe.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/day-manh-lien-ket-che-bien-che-post375593.html