Đẩy mạnh liên kết - cơ hội đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Ngành du lịch Thanh Hóa những năm gần đây đã thể hiện rõ xu hướng liên kết, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc thúc đẩy liên kết với các vùng, địa phương trong cả nước đã giúp du lịch Thanh Hóa có thêm những tour, tuyến du lịch mới, được du khách đón nhận.
Năm 2024 được đánh giá là năm đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đã được hình thành, đưa vào khai thác, phục vụ du khách, như: Tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí Flamingo Ibiza Hải Tiến (Hoằng Hóa); Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội, Công viên nước SunWorld, Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (TP Sầm Sơn); phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa); các tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour) tại các huyện miền núi... Các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới bước đầu thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa thương hiệu, hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”.
Cùng với phát huy nguồn lực nội tại, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng thúc đẩy liên kết với các vùng, địa phương trong cả nước nhằm thúc đẩy trao đổi khách, đồng thời tạo nên những sản phẩm du lịch mới mang tính liên kết. Đáng chú ý là các tour liên kết với các tỉnh, thành phố phía Bắc, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Bắc. Đến nay, một số hành trình liên kết giữa Thanh Hóa với các địa phương trong nước đã được “định vị” như: “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, “Một hành trình - Nhiều trải nghiệm”, “1 đường bay 2 di sản thế giới”, “Tour caravan đường mòn Hồ Chí Minh”... Nhằm bắt kịp xu hướng phát triển, các địa phương có khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã từng bước hoàn thiện sản phẩm, kết hợp với việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nhằm mang đến hành trình liên kết những sản phẩm có chất lượng. Trọng tâm là lấy văn hóa truyền thống làm chìa khóa để phát triển sản phẩm du lịch.
Là địa phương lân cận, đồng thời là “mắt xích” quan trọng trong một số hành trình liên kết, tuyến du lịch Thanh Hóa - Ninh Bình trong những năm gần đây đã, đang chứng minh được sức hút với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình, Hoàng Bình Minh nhận định: “Trong quá trình khai thác sản phẩm liên kết, các doanh nghiệp lữ hành đã từng bước tận dụng lợi thế nổi trội của mỗi địa phương. Thanh Hóa có hệ thống giao thông thuận tiện, có Cảng Hàng không Thọ Xuân và các khu du lịch biển nổi tiếng, trong khi đó du lịch Ninh Bình là “Điểm đến có ảnh hưởng” hiện đang thu hút sự quan tâm của dòng khách có khả năng chi tiêu cao. Việc kết nối du lịch đã góp phần làm mới sản phẩm hiện có của mỗi bên và mang đến cho du khách những sản phẩm trải nghiệm mới”. Ông Hoàng Bình Minh cũng bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương các bên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản phẩm. Hiệp hội du lịch các bên phát huy hơn nữa vai trò cầu nối để các doanh nghiệp giữa hai địa phương gắn kết với nhau trong quá trình xây dựng sản phẩm, đồng thời duy trì trao đổi thông tin, xu hướng thị trường để đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm liên kết.
Trong quá trình xây dựng sản phẩm liên kết, cùng với vai trò định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự vào cuộc của hiệp hội du lịch và các hội, chi hội thành viên nhằm kết nối các điểm đến, dịch vụ du lịch thành sản phẩm mới, có chất lượng đóng vai trò quan trọng. Những năm gần đây, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa cũng đã tích cực tổ chức các chương trình famtrip, kết nối doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch giữa các địa phương. Cùng với đó, hướng dẫn các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, các điểm du lịch đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ dựa trên lợi thế của từng đơn vị. Ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh e-marketing, truyền thông trên các nền tảng số, mạng xã hội để tạo sức lan tỏa và quảng bá hình ảnh du lịch chung... Thông qua các hoạt động liên kết đã góp phần hạn chế sự trùng lặp sản phẩm, phát huy lợi thế của mỗi điểm đến. Đây được xem là cơ hội để các địa phương nhìn nhận rõ hơn giá trị văn hóa nổi bật, lợi thế và hoàn thiện sản phẩm du lịch của mình để thu hút khách du lịch.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lê Xuân Thảo khẳng định: Việc liên kết, hợp tác, quảng bá du lịch Thanh Hóa với các địa phương đã, đang thúc đẩy phát triển các chuỗi sản phẩm liên kết địa phương đặc trưng, hấp dẫn; đem đến những trải nghiệm du lịch phong phú và đa dạng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách trong nước và quốc tế. Song, để phát triển những sản phẩm liên kết thực sự chất lượng, vai trò của doanh nghiệp du lịch tại các địa phương trong hành trình liên kết là rất lớn. Trong đó, doanh nghiệp cần chú trọng tìm điểm nổi bật và xây dựng thông điệp trong từng sản phẩm để có thể thu hút du khách và phát triển sản phẩm liên kết mang tính bền vững. Đây là cơ sở quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trong tình hình mới theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.