Yêu Long Khánh theo cách riêng
Thành phố Long Khánh là đô thị trẻ nhưng là vùng đất định hình sớm ở phương Nam, năm 1837 có tên trong địa bạ triều Nguyễn. Suốt quá trình hình thành và phát triển, Long Khánh luôn là vùng đất trù phú, địa thế thuận lợi, khí hậu ôn hòa, đất lành nước ngọt, cảnh đẹp người hiền; cư dân tứ xứ tụ hội, ra sức làm ăn tạo nhiều giá trị kinh tế, văn hóa, nhân văn, đạt nhiều thành quả quan trọng. Từ Long Khánh, đã có nhiều anh tài, gương điển hình cá nhân và tập thể về mọi mặt được biểu dương, làm rạng danh quốc gia và tỉnh nhà.
Có một Long Khánh như thế, không yêu sao được! Mỗi người yêu Long Khánh đều thể hiện lòng yêu và cách yêu của mình. Với Phạm Văn Hoàng, yêu Long Khánh nồng nhiệt qua ngòi bút và ống kính máy ảnh, hợp thành Long Khánh tôi yêu.
1. Tác giả Phạm Văn Hoàng (nghệ danh Hoàng Long), sinh ra và trưởng thành tại xã Xuân Mỹ, thuộc địa bàn Long Khánh cũ, học hành và lập thân trong hoàn cảnh Long Khánh khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt khó khăn, vươn lên cuộc sống mới. Cảm xúc yêu Long Khánh của anh bắt đầu từ những kỷ niệm tuổi thơ, niềm vui tuổi học trò, rõ nét nhất là từ khi đến với ngành văn hóa thông tin, quen dần với những việc “đinh dây hồ giấy; cờ đèn kèn trống; bưng bê kê dọn”. Tay làm, óc nghĩ, trái tim rung động; tình người; tình đất đi vào trang viết.
Không nhớ trang viết đầu tiên của Phạm Văn Hoàng về Long Khánh từ lúc nào nhưng những bài viết đầu tiên của anh mang cảm xúc mạnh mẽ, được nhiều người biết đến có lẽ là những bài viết về các Mẹ Việt Nam anh hùng, những chiến công thầm lặng, những hy sinh của người Long Khánh cho Long Khánh hôm nay, và viết về vùng đất, con người mới đang ra sức đóng góp, dựng xây Long Khánh… Hỏi về điều tâm đắc nhất, yêu nhất đối với Long Khánh, anh nói: “Có cả trong tập sách, đó là con người và vùng đất Long Khánh, “đất nặng tình người nên đất nhuộm màu son”.
Mong ước lớn nhất của Phạm Văn Hoàng là Long Khánh vượt qua những trở ngại hiện thời, trở thành một trong những đô thị hạt nhân của tỉnh Đồng Nai và của cả miền Đông Nam Bộ. Các bài viết và hình ảnh từ ống kính của anh không chạy theo thể loại, có tính thời sự, ký sự, đôi chút phóng sự, nhiều lúc có sáng tạo nghệ thuật; không phải để múa bút, mà tất thảy là để thể hiện người thật, việc thật, cảm xúc thật lòng những con người, sự kiện, văn hóa, lịch sử ở Long Khánh. Long Khánh tôi yêu chỉ là một phần nhỏ trong các tác phẩm của Hoàng Long.
Với những tình cảm mà tác giả Phạm Văn Hoàng dành cho Long Khánh trong Long Khánh tôi yêu, ắt tác phẩm sẽ được Long Khánh và người yêu Long Khánh đón nhận bằng lòng yêu mến, bao dung.
2. Đọc Long Khánh tôi yêu, bạn đọc thấy hình bóng của Long Khánh vốn có và cần có. Đó là vùng đất có chiều sâu lịch sử văn hóa bao gồm các di sản văn hóa của tiền nhân và lịch sử hào hùng của thời đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong đó, những di tích của người xưa như mộ cổ Hàng Gòn, di chỉ Suối Chồn… được tác giả khảo tả chi tiết, như là sử liệu để người đọc hiểu biết về Long Khánh thời tiền sử. Rõ nhất là những sự kiện hào hùng về chiến thắng “tung cánh cửa thép Xuân Lộc” tháng tư 1975, thành tích anh hùng của các cá nhân và tập thể anh hùng góp công vào thành tích anh hùng của Long Khánh.
Trong Long Khánh tôi yêu nhiều bài viết giàu sử liệu, tái hiện lịch sử bằng tình người, hành động và phẩm chất cụ thể của con người. Trong đó, Phạm Văn Hoàng gặp những nhân chứng lịch sử như: ông Phạm Quốc Thân (nguyên chiến sĩ Sư đoàn 341, Quân đoàn 4); ông Trần Văn Phú (nguyên chiến sĩ Đội Công binh xưởng quân giới Thị đội Long Khánh); ông Lê Văn An - cựu chiến binh thành phố Long Khánh… được tác giả phản ảnh chân thực, cụ thể về chiến thắng ở Long Khánh đọng lại trong tình yêu Long Khánh.
Người đọc cũng thấy Long Khánh là một thành phố trẻ đang chuyển mình vươn đến mục tiêu đô thị loại II “xanh - văn minh - an toàn - hiện đại”. Trong báo cáo thành tích và quy hoạch là những mệnh đề, những dãy số; trong Long Khánh tôi yêu là những con người, lòng người và hình ảnh cụ thể. Hình ảnh của “nội ô thành phố Long Khánh”, “thành phố trẻ” gợi nhiều cảm xúc về Long Khánh trẻ trung, đổi mới. Thành phố trẻ Long Khánh được khắc họa:
“Thị xã hôm nay bừng lên muôn sắc mới
Đường phố, đèn hoa, cờ bay phấp phới
Trong nắng lung linh rực rỡ ngàn hoa
Thành phố mùa Xuân, Long Khánh Anh hùng”
Có những hình ảnh đẹp ở góc phố Bùi Thị Xuân với thông điệp “công dân thành phố Long Khánh hãy chung tay bảo vệ môi trường” cùng hoạt động tự nguyện của cô Diệu Thúy, cô Thúy Lan và các học sinh; có điểm sáng phong trào “công nhân cao su Đồng Nai góp phần xây dựng nông thôn mới”; có những gương điển hình bình dị như “Dì Hai”, “Út Tiêu” là “những người góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng nông thôn mới”; có “đường hoa đồng thuận ở xã Bình Lộc; có cả tâm sức của linh mục, giáo dân trong các hoạt động “đoàn kết lương giáo xây dựng nông thôn mới”…
Có rất nhiều thứ nữa ở Long Khánh tôi yêu mang hơi thở của cuộc sống thực mà hồ sơ báo cáo khó diễn đạt. Đó là lòng dân, sức dân, ý chí của dân, tình đoàn kết trong dân để chung sức chung lòng xây dựng, phát triển thành phố Long Khánh thân yêu.
3. Khó tìm thấy trong các trang viết của Phạm Văn Hoàng những lời có cánh, những câu hoa mỹ; thường thấy ở Long Khánh tôi yêu hình ảnh chơn chất, lời bình dị, tâm tình chân thực; tình yêu nồng nhiệt dành cho Long Khánh, vì Long Khánh. Nếu khó tính, có thể có người cho là thô vụng; nhưng phong cách của tác giả như người thư ký của sự thật “có sao nói vậy người ơi”; thường mô tả con người, sự việc theo cảm nhận trực quan, không cầu kỳ văn tự nhưng sâu lắng tính người, tình người.
Việc cụ thể, người cụ thể nên tính thời sự đậm nét; giàu cảm xúc, lắng đọng tình yêu người, yêu đất Long Khánh nên đậm chất nhân văn. Tất cả vì Long Khánh anh hùng, giàu đẹp, văn minh nên Long Khánh tôi yêu còn mang thông điệp của hoa tiêu và dự báo.