Đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển kinh tế
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa liên kết vùng trong phát triển kinh tế, thời gian tới Hải Dương cần có chính sách cụ thể, tận dụng cơ hội từ các văn bản hợp tác đã ký kết với các tỉnh, thành phố lân cận.
Giai đoạn 2016 - 2020, hội nhập kinh tế, liên kết phát triển vùng được Hải Dương đẩy mạnh với nhiều dấu ấn đậm nét, đặc biệt là phối hợp với các tỉnh lân cận triển khai các dự án hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.
Mở đường liên kết
Trong 5 năm qua, Hải Dương đã có sự phát triển nhanh chóng về kết cấu hạ tầng giao thông. Cùng hơn 189 km của 7 quốc lộ đi qua địa bàn, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng hàng loạt công trình giao thông trọng điểm khác, tạo động lực liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận.
Cuối tháng 6 vừa qua, cầu Mây vượt sông Kinh Môn nối thị xã Kinh Môn với huyện Kim Thành chính thức thông xe. Trong lễ thông xe cầu Mây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái khẳng định công trình đã ghi dấu mốc lịch sử trong lĩnh vực giao thông vận tải của tỉnh, cả về ý nghĩa, tầm quan trọng, quy mô, tiến độ và chất lượng. Sau khi đưa vào sử dụng, cầu Mây sẽ tạo sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội cho vùng và cả tỉnh cũng như khu vực.
Cùng với cầu Mây, dự án đường trục Bắc - Nam đoạn phía nam đã tạo động lực mới, đánh thức tiềm năng phát triển của nhiều xã thuộc 2 huyện Gia Lộc và Ninh Giang. Kết nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 38B, các đường tỉnh 392, 396 và đường vành đai 5 Hà Nội, hơn 18 km tuyến đường trục Bắc - Nam đã giải quyết nhu cầu thông thương, mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ cho các địa phương này.
Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, hàng loạt công trình giao thông kết nối giữa Hải Dương và các tỉnh, thành phố lân cận được triển khai. Cụ thể, 2 dự án kết nối với tỉnh Quảng Ninh là đường trục Bắc - Nam đoạn phía bắc kết nối thị xã Đông Triều với thị xã Kinh Môn hướng ra quốc lộ 5 và nối đường tỉnh 398B (Kinh Môn) với đường tỉnh 345 (Đông Triều). Kết nối với TP Hải Phòng có dự án xây dựng cầu Dinh kết nối quốc lộ 17B, đường tỉnh 389 (Kinh Môn) với đường tỉnh 352 (Thủy Nguyên) và dự án xây dựng cầu Quang Thanh nối đường tỉnh 390 (Thanh Hà) với đường tỉnh 360 (An Lão). Về phía tây, Hải Dương có 3 dự án kết nối với tỉnh Hưng Yên, bao gồm kết nối đường tỉnh 396 xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) với đường huyện 80 xã Nhật Quang (Phù Cừ); dự án kết nối đường trục trung tâm đô thị Mỹ Hào đến quốc lộ 38 và dự án cải tạo nâng cấp đường huyện 19 (Cẩm Giàng).
Tiếp đà tăng trưởng
Theo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, trong 5 năm tới, Hải Dương phấn đấu đạt mức tăng bình quân GRDP 9%/năm trở lên, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng.
Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra là hoàn thành việc lập, triển khai quy hoạch tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch trên địa bàn. Chú trọng quy hoạch hệ thống giao thông đối ngoại, hệ thống giao thông kết nối các địa phương trong tỉnh. Triển khai quy hoạch trục không gian phát triển Bắc - Nam mới, có phương án, lộ trình thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ.
Cộng đồng doanh nghiệp Hải Dương nhận định, một trong những thành tố giữ vai trò quan trọng trong liên kết giao thương là hạ tầng giao thông, nhất là những công trình giao thông kết nối nội vùng và liên tỉnh. Ông Lê Anh Hà, Giám đốc Công ty CP V.I.P Việt Nam cho biết những chính sách cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng phát triển các doanh nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các thành phần kinh tế tăng trưởng. Dịch vụ thương mại, du lịch, vận tải, nhất là lĩnh vực logistics theo đó có thêm cơ hội mở rộng thị trường. Xu hướng hợp tác, liên kết của các doanh nghiệp cùng ngành dần hình thành. Đẩy mạnh liên kết vùng với sự hỗ trợ đắc lực từ hạ tầng giao thông sẽ giúp xu hướng này phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn.
Là một nhà đầu tư tới từ Hàn Quốc, ông Kang Seung Oh, Giám đốc Công ty TNHH KG Vina trụ sở tại Hà Nội nhận định nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng của Hải Dương ngày càng nhanh, bền vững. Đặc biệt, mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ. “Một trong những yếu tố nhà đầu tư quan tâm là tính kết nối của địa phương, trong đó hạ tầng giao thông đóng vai trò chính. Tính đồng bộ, thông suốt sẽ tạo thuận lợi trong vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa. Cùng môi trường đầu tư thân thiện, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ là những lợi thế tăng tính cạnh tranh của Hải Dương trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế toàn tỉnh”, ông Kang chia sẻ.
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa liên kết vùng trong phát triển kinh tế, thời gian tới Hải Dương cần có chính sách cụ thể, tận dụng cơ hội từ các văn bản hợp tác đã ký kết với các tỉnh, thành phố lân cận. Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu tư, hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, từ doanh nghiệp trong nước đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.