Đẩy mạnh phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT
Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT có ý nghĩa quan trọng. Việc này sẽ tạo điều kiện để người học phát huy năng lực, sở trường cá nhân; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và dạy nghề.
Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Khắc Lễ về việc thực hiện Quyết định 522 của Chính phủ và Kế hoạch 161 của UBND tỉnh về Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh (PLHS) trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025.
* Qua triển khai Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025, ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
- Công tác PLHS đã được ngành Giáo dục phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện chặt chẽ theo lộ trình và kế hoạch từng năm. Theo đó, ngành đã triển khai công tác tư vấn, hướng nghiệp trong các nhà trường THCS và THPT; tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến các bậc phụ huynh học sinh.
Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực thông tin về năng lực đào tạo, ngành nghề đào tạo, liên kết đào tạo và giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp… đến tất cả các đối tượng học sinh. Từ đó tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức về học nghề.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện công tác PLHS sau tốt nghiệp THCS và THPT chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đến nay, khối THCS chỉ phân luồng được 20% học sinh học nghề và 80% học sinh trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập.
Theo lộ trình đến năm 2025, khối THCS phải phân luồng ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS học nghề, 60% học sinh trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập. Khối THPT hiện nay chỉ dưới 10% học sinh tốt nghiệp THPT học nghề, trong khi theo lộ trình đến năm 2025, chỉ tiêu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT học nghề. Khả năng đến năm 2025, phân luồng học sinh khối THCS và THPT sẽ không đạt theo như kế hoạch, do có nhiều nguyên nhân khách quan.
* Nguyên nhân là do đâu thưa ông?
- Việc PLHS sau tốt nghiệp THCS và THPT vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mặc dù có chuyển biến nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tâm lý trọng bằng cấp còn khá phổ biến trong một bộ phận công chức, viên chức và người dân. Họ chỉ muốn con em tiếp tục học THPT hoặc vào các trường đại học. Một bộ phận thì lại muốn nghỉ học để lao động giúp đỡ gia đình…
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông hiện nay không có biên chế chính thức mà chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm, ít được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác giáo dục hướng nghiệp và PLHS của THCS chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền; chưa đa dạng, sáng tạo, phù hợp với người học và tình hình đổi mới hiện nay.
* Để thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 tốt hơn, ngành có định hướng và kế hoạch gì?
- Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; bổ sung, cập nhật các nội dung giáo dục hướng nghiệp trong các môn học và hoạt động giáo dục.
Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường phổ thông đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán (giáo dục STEM). Mục tiêu là làm sao để chương trình phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của quốc gia, đáp ứng thị trường lao động, chuẩn bị điều kiện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Ngành Giáo dục chỉ đạo các trường THCS đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ đào tạo, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị và địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS phổ thông, trong đó đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh, học sinh và trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS phổ thông.
Hàng năm, các trường tổ chức hội thảo về công tác PLHS sau THCS cho học sinh, cha mẹ học sinh, nhằm giúp các em và gia đình hướng nghiệp phù hợp.
Để thực hiện được mục tiêu trên, từ các cấp bộ, ngành trung ương đến địa phương cần phải điều chỉnh cơ chế và chính sách kịp thời, đồng bộ. Trong đó, chính sách PLHS phổ thông cần phải được quan tâm đặc biệt; đẩy mạnh tuyên truyền để xã hội đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp học sinh, từng bước xóa bỏ tâm lý trọng bằng cấp; xác định nhiệm vụ của chính quyền ở cơ sở trong việc vận động thanh niên đi học nghề để nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm...
* Xin cảm ơn ông!
Chính sách PLHS phổ thông cần phải được quan tâm đặc biệt; đẩy mạnh tuyên truyền để xã hội đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp học sinh, từng bước xóa bỏ tâm lý trọng bằng cấp; xác định nhiệm vụ của chính quyền ở cơ sở trong việc vận động thanh niên đi học nghề để nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm...
HIẾU TRUNG (thực hiện)