Đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền cấp tỉnh
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ sửa 4 nhóm nội dung lớn liên quan đến tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Sáng 7/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết so với Luật hiện hành gồm 50 điều thì dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) dự kiến có 54 điều (tăng 4 điều). Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.
Phân định rõ thẩm quyền của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc 4 nhóm vấn đề cơ bản.
Một là, sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức đơn vị hành chính (ĐVHC) và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành (gồm: tỉnh, thành phố); tổ chức lại các ĐVHC cấp xã hiện nay để hình thành các ĐVHC cấp xã (mới) gồm: xã, phường và đặc khu (được tổ chức tại hải đảo) để phù hợp với mô hình tổ chức mới; ĐVHC kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội
Hai là, sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã. Trên cơ sở mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương theo hướng:
Cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên xã, phường, vượt quá năng lực giải quyết của cấp xã, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh;
Cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp xã.
Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, để thực hiện nhất quán nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh theo quy định hiện hành thì dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư,… ở địa phương.
Đối với chính quyền địa phương cấp xã, dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã.
Theo Điều 11 của dự thảo, trong trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.
Ba là, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương. Trong đó, chính quyền địa phương cấp tỉnh bản giữ như quy định hiện hành; chỉ tăng số lượng thích hợp đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh. Đối với chính quyền địa phương cấp xã, HĐND cấp xã có 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội; quy định số lượng đại biểu HĐND cấp xã tối thiểu là 15 đại biểu và tối đa là 35 đại biểu.
Dự thảo luật quy định UBND cấp xã tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực ở địa bàn cấp xã, bảo đảm phù hợp với quy mô ĐVHC, mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền của chính quyền địa phương cấp xã mới.
Nhóm vấn đề thứ tư, theo Bộ trưởng Nội vụ, đó là dự thảo luật giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp (bỏ cấp huyện), nhằm bảo đảm hoạt động của chính quyền địa phương được liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị và quy định chuyển tiếp về tổ chức chính quyền địa phương tại phường thuộc Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội
Bảo đảm tính thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban tán thành việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Ủy ban đánh giá dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các nội dung đang được dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể hóa các yêu cầu, định hướng về thực hiện mô hình địa phương 2 cấp; sáp nhập một số ĐVHC cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sắp xếp ĐVHC cấp xã tại Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Về quy định đặc khu là ĐVHC ở hải đảo, Ủy ban nhất trí với chủ trương sẽ hình thành 13 đặc khu trên cơ sở các ĐVHC cấp huyện ở hải đảo hiện nay. Đối với các xã đảo thuộc ĐVHC cấp huyện không thuộc khu vực hải đảo, Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, có phương án sắp xếp phù hợp và quan tâm, lưu ý trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến việc áp dụng các chế độ, chính sách sau khi sắp xếp ĐVHC, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân, cán bộ, công chức trên địa bàn.
Về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp, Ủy ban nhận thấy trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện được chuyển giao cho cấp xã đảm nhận, cộng với việc sắp xếp, mở rộng quy mô ĐVHC cấp xã khiến cho khối lượng công việc của chính quyền địa phương cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều.
"Đây là thay đổi rất lớn, trong khi năng lực của bộ máy chính quyền địa phương cấp xã chưa thực sự đồng đều và cần có thời gian để được kiện toàn, nâng cao trình độ nên cần có cơ chế để tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh," ông Tùng cho biết.
Theo đó, Ủy ban cho rằng chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ, xử lý trong trường hợp chính quyền ở một hoặc một số ĐVHC cấp xã không đủ khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao nhằm bảo đảm tính thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính, bảo đảm công việc của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn được giải quyết kịp thời, nhanh chóng.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp trong dự thảo Luật để thể hiện rõ nét hơn nữa nguyên tắc nói trên, bảo đảm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; chính quyền địa phương cấp tỉnh tập trung quản lý các vấn đề có tính toàn diện, liên vùng, điều phối, phân bổ nguồn lực, hỗ trợ, hướng dẫn để chính quyền địa phương cấp xã có thể đảm đương tốt các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, liên quan đến quy định về cơ cấu tổ chức của UBND cấp xã, Ủy ban cho rằng, trong bối cảnh sắp xếp, mở rộng quy mô ĐVHC cấp xã và tăng cường thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương cấp xã thì việc xây dựng bộ máy có tính chuyên môn, chuyên nghiệp hóa để tham mưu, giúp UBND cấp xã là cần thiết và phù hợp với kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Tuy nhiên, Ủy ban cũng cho rằng, quy định về việc thành lập cơ quan chuyên môn như thế nào, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã là bao nhiêu thì cần có sự linh hoạt dựa trên yêu cầu, khối lượng công việc, số biên chế tối thiểu để được thành lập tổ chức (cấp phòng) và số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa để tránh tình trạng chia cắt về tổ chức, bộ máy, số lượng lãnh đạo nhiều hơn số lượng công chức trực tiếp thừa hành.