Đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng xanh
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Với ngành logistics, xanh hóa không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp.
Đó là nhận định của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh tại tọa đàm phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025 do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 9/7 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho biết, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hóa” các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan trong “phát triển logistics xanh” gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh...
Để thực hiện Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm của Kế hoạch.
Việc chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm và dành nhiều ưu tiên.
Do đó, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh khẳng định, việc phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm.
Thời gian tới, VCCI sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan để đưa Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) thành một trong những tiêu chuẩn quốc gia để áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc.
Khi áp dụng Bộ chỉ số CSI, ông Vinh cho rằng, các doanh nghiệp cần rà soát lại hoạt động phát triển bền vững của mình, tự tổng hợp thông tin theo hướng dẫn, từ đó có thể tự đánh giá tổng quát “sức khỏe” của mình, cũng như các tác động tạo ra từ hoạt động của doanh nghiệp, qua đó xây dựng kế hoạch hành động phù hợp để cải thiện điểm yếu, phát huy điểm mạnh, đồng thời làm tốt hơn công tác lập và báo cáo thông tin, giúp thu hút đầu tư hiệu quả hơn, bền vững hơn,...
Song, để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã và đang có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Trong đó xác định, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển bền vững.
Đặc biệt, Chính phủ xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ở góc độ doanh nghiệp, cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện nay.
Đại hội năm 2025 dự kiến thu hút hơn 1.000 đại biểu chính thức, trong đó gồm lãnh đạo các Hiệp hội Logistics quốc gia, các tổ chức quốc tế và đặc biệt là nơi hội tụ của hàng loạt doanh nghiệp logistics hàng đầu đến từ hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Đây là cơ hội để doanh nghiệp logistics và xuất nhập khẩu của Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, hợp tác với hàng nghìn doanh nghiệp logistics hàng đầu trên thế giới.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/day-manh-phat-trien-chuoi-cung-ung-xanh-173524.html