Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp

UBND TP HCM đã đưa ra 4 nội dung để TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL liên kết và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19, trong đó trọng tâm là du lịch về nông nghiệp

Ngày 20-5, trong khuôn khổ Lễ hội Sen tỉnh Đồng Tháp lần thứ I đã diễn ra Diễn đàn Kết nối du lịch giữa TP HCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 2 mang chủ đề "Hợp tác và hành động".

Cơ hội đẩy mạnh liên kết

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, thời gian qua, lãnh đạo TP HCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, mà diễn đàn lần này là một minh chứng cụ thể.

"Vừa qua, trung ương có những chính sách mới, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông của vùng và dành nhiều chính sách đặc thù để tạo bước đột phá, phát huy lợi thế từng lĩnh vực mà trước nay vùng ĐBSCL chưa có. Bên cạnh đó, sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của "đầu tàu" TP HCM đối với sự liên kết vùng là điều kiện rất thuận lợi để TP HCM và 13 tỉnh, thành trong vùng cùng phát triển" - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trồng sen kết hợp với phát triển du lịch nông nghiệp là mô hình đang được tỉnh Đồng Tháp triển khai có hiệu quả. Ảnh: NGỌC TRINH

Trồng sen kết hợp với phát triển du lịch nông nghiệp là mô hình đang được tỉnh Đồng Tháp triển khai có hiệu quả. Ảnh: NGỌC TRINH

Vùng ĐBSCL có những thế mạnh đặc trưng, trong đó du lịch nông nghiệp là một sản phẩm du lịch đặc sắc. Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhận định việc phát triển và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa ĐBSCL và TP HCM được các địa phương chú trọng đầu tư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Xa hơn nữa, thông qua liên kết hợp tác giữa các địa phương, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp được hình thành, các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) cũng đã được tổ chức, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và TP HCM.

"Sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch đã có sự thay đổi. Du lịch nhóm nhỏ gồm gia đình và bạn bè, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch trải nghiệm gắn với tìm hiểu thiên nhiên, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa địa phương là những xu hướng đang trở thành chủ đạo. Đây cũng là cơ hội để TP HCM và các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch nông nghiệp" - ông Đức khẳng định.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, cho rằng du lịch nông nghiệp sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Những người làm du lịch cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó chú trọng đào tạo kỹ năng cho nông dân làm du lịch bài bản để phát triển bền vững.

Nhìn nhận về sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch ĐBSCL, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, yêu cầu các địa phương ở ĐBSCL chủ động tìm giải pháp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch. TP HCM cần phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt, đưa nguồn khách đến ĐBSCL. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần chủ động, sáng tạo khai thác hiệu quả nguồn lực, tiềm năng du lịch của ĐBSCL, phát triển các chương trình du lịch nông nghiệp có sự tham gia của nông dân.

Lĩnh vực du lịch của ĐBSCL hiện nay còn nhiều vấn đề cần bàn. Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng các địa phương quản lý du lịch và các doanh nghiệp cần liên kết, hỗ trợ nhau. Mỗi tỉnh phải xác định sản phẩm tiêu biểu, đặc thù.

"Tôi đề nghị cần sớm đề xuất với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng những tiêu chí cơ bản về phát triển nông nghiệp du lịch. Ba bộ cùng tham gia xây dựng các tiêu chí này bởi sự phối hợp của 3 bộ sẽ thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển mang tính bền vững" - bà Vân nhấn mạnh.

Riêng về đào tạo nguồn nhân lực, bà Cao Xuân Thu Vân cho rằng muốn phát triển du lịch bền vững cần nhìn xa về tương lai, nên hướng những người trẻ, đặc biệt là học sinh, biết yêu quê hương, từ đó sẽ là những sứ giả để quảng bá, giới thiệu về nét đẹp của quê hương đến bạn bè. Ngoài ra, nên trang bị kiến thức, kỹ năng cho nông dân khi làm du lịch, nhất là về giao tiếp.

Bốn nội dung phối hợp

Trên tinh thần của Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch đã được ký kết giữa UBND 14 địa phương, để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp trong bối cảnh mới, UBND TP HCM đề xuất 4 nội dung phối hợp gồm:

Một là, các địa phương tập trung nâng cấp và phát triển hạ tầng giao thông để rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương; chú trọng đầu tư các trạm dừng chân đủ tiêu chuẩn và phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng kết hợp quảng bá sản phẩm và đặc sản nông nghiệp của địa phương.

Hai là, có chính sách kích cầu đầu tư, trong đó hỗ trợ lãi vay cho các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm OCOP bảo đảm chất lượng và nguồn cung ổn định.

Ba là, phối hợp xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo, chất lượng cao với các nhóm sản phẩm trọng tâm gồm: du lịch giáo dục dành cho học sinh, thanh thiếu niên; du lịch phục hồi sức khỏe; du lịch cộng đồng...

Bốn là, phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho từng địa phương cũng như thương hiệu chung của cả vùng.

VĨNH KỲ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/du-lich-xanh/day-manh-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-20220520213020539.htm