Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái rừng trong đồng bào dân tộc thiểu số
Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách bởi nơi đây có không khí trong lành, cây cối xanh mát, cảnh vật sinh động và có những hoạt động thú vị để du khách khám phá nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Có thể nói, không chỉ có tiềm năng về phát triển kinh tế nhờ phát triển du lịch sinh thái rừng, Bù Gia Mập còn có thế mạnh bởi giàu bản sắc văn hóa độc đáo, riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).

Nhiều du khách rất thích thú tham gia du lịch sinh thái rừng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Minh Anh
Đổi đời nhờ làm du lịch
Phần lớn đồng bào DTTS sinh sống tại các bản làng thuộc khu vực Vườn quốc gia Bù Gia Mập chủ yếu sống dựa vào nương rẫy và khai thác tài nguyên rừng. Du lịch sinh thái rừng đã mang đến cho đồng bào các DTTS trong vùng một trải nghiệm mới, hướng đi mới. Và với sự phát triển của du lịch sinh thái rừng, bà con các DTTS đã có cơ hội tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, từ hướng dẫn viên, biểu diễn nghệ thuật và nấu các món ăn đặc trưng của đồng bào S’tiêng, M’nông đến tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống.
Khi du khách đến tham quan, trải nghiệm ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập, sẽ cảm nhận rõ rệt những nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS được lồng ghép, hòa trộn vào các hoạt động du lịch, tạo nên sự cuốn hút khó cưỡng. Thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, du khách không chỉ được trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc sắc, mà còn mở ra cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào.
Chị Điểu May, một thành viên của nhóm biểu diễn dân ca, dân vũ của đồng bào S’tiêng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống của bà con các DTTS trong xã Bù Gia Mập nói chung và gia đình tôi nói riêng rất khó khăn. Bà con chỉ trông chờ vào ít rẫy lúa, nương ngô, khoai mì (sắn) hay con gà, con heo..., đời sống kinh tế luôn bấp bênh. Nhưng từ khi tham gia nhóm cộng đồng văn hóa phục vụ khách du lịch tại Bù Gia Mập, tôi không chỉ có thêm thu nhập, mà còn có cơ hội thể hiện bản sắc dân tộc mình. Được múa, được truyền tải văn hóa của người S’tiêng đến du khách, đó là niềm vui, niềm tự hào lớn đối với tôi”.
Hiện nay, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã xây dựng và duy trì đội ngũ cộng tác viên gồm 70 người, chủ yếu là đồng bào DTTS địa phương, đảm nhiệm vai trò hướng dẫn du khách và tổ chức các hoạt động văn hóa. Anh Điểu Bình là một thành viên trong đội ca múa cộng đồng, kiêm hướng dẫn viên du lịch bày tỏ niềm vui khi được gắn bó với các hoạt động du lịch: “Nhờ sự kết nối từ chính quyền địa phương, tôi có cơ hội tham gia các chương trình du lịch cộng đồng. Trước đây, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng hiện nay, nhờ vào việc phục vụ du khách, thu nhập của chúng tôi đã ổn định hơn. Không chỉ vậy, tôi cảm thấy rất vui khi có thể giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến với nhiều du khách”.
Một hướng đi trúng nhiều đích
Thời gian gần đây, Vườn quốc gia Bù Gia Mập trở thành địa điểm lý tưởng của nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Năm 2024, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã đón hơn 8.500 lượt khách tham quan, tăng 2.500 lượt so với năm 2023, du lịch rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã và đang trở thành nhịp cầu nối giữa văn hóa truyền thống với hiện đại, mở ra những cơ hội mới cho đồng bào các DTTS. Sự phát triển của du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập cũng là “chiếc chìa khóa” mở ra cánh cửa việc làm cho đồng bào DTTS, đặc biệt là người S’tiêng và M’nông.

Đến với Vườn quốc gia Bù Gia Mập, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động của bà con các DTTS nơi đây. Ảnh: Minh Anh
Những hoạt động như biểu diễn nhạc cụ truyền thống, múa cồng chiêng hay tổ chức lễ hội đặc trưng không chỉ giúp người dân nơi đây bảo tồn văn hóa dân tộc, mà còn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Thông qua đó, người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập ổn định, đồng thời, ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc được nâng cao. Du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi đời sống đồng bào DTTS. Anh Điểu Tháp, cộng tác viên tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: “Hiện nay, chúng tôi có thể tham gia các hoạt động hướng dẫn du khách, biểu diễn văn hóa, giúp bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch. Tôi tin rằng, khi càng nhiều người biết đến Vườn quốc gia Bù Gia Mập thì đồng bào sẽ có thêm nhiều cơ hội để ổn định cuộc sống và giữ gìn bản sắc dân tộc”.
Để mở rộng mô hình này, hiện nay, xã Bù Gia Mập đang thống kê lại số lượng nghệ nhân ở mỗi thôn. Trên cơ sở đó sẽ tập hợp lại, từng bước xây dựng các đội văn nghệ biểu diễn hoặc hình thành làng nghề để thu hút khách du lịch. Điều này không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tăng thu nhập cho người dân, mà còn quảng bá, thúc đẩy du lịch nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói chung.
Du lịch cộng đồng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương mà hơn thế, nó góp phần thúc đẩy mô hình du lịch có trách nhiệm, đảm bảo sự phát triển lâu dài và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Khác với các loại hình du lịch khác, du lịch sinh thái rừng giúp du khách trải nghiệm và khám phá thiên nhiên một cách trực tiếp. Qua đó, khách tham quan, du lịch có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, tận hưởng bầu không khí trong lành, có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng và giữ gìn môi trường thiên nhiên thông qua trải nghiệm của bản thân và tuyên truyền trong cộng đồng xã hội. Bởi khi du khách thích tìm đến những nơi hoang sơ để trải nghiệm, họ cũng có ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường và tác động lại cộng đồng ý thức đó sau mỗi chuyến đi thực tế.
Ông Đỗ Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyên truyền, du lịch và cứu hộ, bảo tồn Vườn quốc gia Bù Gia Mập chia sẻ: “Những năm trước đây, do đời sống khó khăn cộng với ý thức còn hạn chế nên một số người dân trong khu vực vào rừng khai thác lâm sản, săn bắn, đặt bẫy, hái lượm trái phép. Từ năm 2018 trở lại đây, nhờ du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, ý thức của người dân dần được nâng cao nên những hoạt động vi phạm trên đã chấm dứt. Bên cạnh đó, phát triển du lịch cộng đồng đồng nghĩa với việc rừng được bảo vệ rất tốt. Từ những kết quả đạt được, có thể thấy rằng, mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái rừng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập không chỉ góp phần phát triển kinh tế, mà còn giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS”.