Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Tạo đà tăng trưởng hai con số
Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 8% trở lên. Theo tính toán, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030 thì mới có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 theo định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Để đạt mục tiêu tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn tới, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là khâu đột phá. Đây vừa là tiềm lực, vừa là động lực, vừa là giải pháp.
Mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Như Quỳnh, mục tiêu tăng trưởng GDP hai số trong giai đoạn 2026-2030 là “rất thách thức” vì Việt Nam chỉ còn chưa đầy một năm chuẩn bị trước khi tiến vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc.

Nghiên cứu khoa học tại Đại học Phenikaa. Ảnh PV
Nghiên cứu kinh nghiệm tăng trưởng hai con số trong thời gian dài của tất cả các nước trên thế giới, tiêu biểu có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, PGS.TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tính đến nay, năm tăng trưởng cao nhất của Việt Nam là 9,5%, còn của Hàn Quốc cao nhất là 14,8%, Trung Quốc là 15,1% và Nhật Bản là 14,8%. Số năm tăng trưởng trên 10% của Hàn Quốc là 14, Trung Quốc là 15 và Nhật Bản là 11.
Theo ông Lê Xuân Bá, những yếu tố dẫn đến thành công của các nước đi trước là: Quan tâm phát triển khoa học công nghệ và kinh tế tư nhân; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính, bất động sản; tăng cường tỷ lệ nội địa hóa doanh nghiệp để tăng tính chủ động và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những bất ổn về chính trị... “Nhờ tận dụng được sức mạnh của khoa học và công nghệ, Hàn Quốc đã có bước nhảy từ một quốc gia thu nhập trung bình thấp lên quốc gia thu nhập trung bình cao chỉ trong 27 năm - quãng thời gian ngắn nhất trong tất cả các nước trên thế giới” - ông Lê Xuân Bá thông tin.
Cần những giải pháp khoa học và đột phá
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và hướng tới mức 10% trong các năm tiếp theo, cần có những giải pháp khoa học, khả thi và mang tính đột phá.
Một trong những giải pháp, theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, là Việt Nam cần nghiên cứu và hình thành các cụm ngành kinh tế quốc gia dựa trên Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó xác định rõ bốn ngành mũi nhọn: Sản xuất công nghệ cao, kinh tế số - kinh tế dữ liệu, kinh tế xanh và kinh tế y sinh, gắn với chiến lược phát triển thông minh; Hình thành quỹ chính sách và chiến lược quốc gia, cho phép sử dụng vốn nhanh hơn, linh hoạt hơn và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học... Ông Trương Minh Huy Vũ cho rằng, những định hướng này sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế và tạo nền tảng vững chắc để bước vào giai đoạn phát triển bứt phá.
Theo TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ của Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm VINASA, những khó khăn của Hà Nội khi thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW cũng là khó khăn chung của cả nước, tuy nhiên Hà Nội có lợi thế là có Luật Thủ đô. Hà Nội cần vận dụng không gian, hành lang rộng hơn một chút so với các quy định chung để làm sao đẩy nhanh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, làm sao để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển của thành phố, giải quyết những vấn đề như tắc đường, ô nhiễm…, thúc đẩy phát triển của Thủ đô GRDP 8% trong năm nay, rồi 2 con số trong thời gian tới.
Theo PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội, để có thể tăng trưởng 2 con số một cách bền vững thì sự sáng tạo, khởi nghiệp rất quan trọng. Với lợi thế có nhiều trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trên địa bàn, Hà Nội phải tiên phong trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, phải tạo môi trường thuận lợi, có quỹ để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Hà Nội cần cụ thể hóa các mục tiêu và xác định điểm đột phá. Trong đó, phải lựa chọn các sản phẩm chủ lực về khoa học công nghệ, chọn một vài sản phẩm khoa học công nghệ trọng điểm mà thành phố có thế mạnh. Ví dụ như vi mạch, chip AI… Đặc biệt, Hà Nội cần tận dụng Luật Thủ đô để làm thí điểm thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).

TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh Thu Hằng
“Hà Nội nên mạnh dạn thử nghiệm sandbox, nhất là những dự án sử dụng ngân sách của Hà Nội. Chúng ta chấp nhận những dự án thất bại, có rủi ro nhưng có kiểm soát tức là ta có những bộ phận tham mưu, tư vấn thì tỷ lệ thành công của nó sẽ cao hơn. Như vậy, thành phố phải có đặt hàng đối với lĩnh vực hoặc sản phẩm nào đó có thể coi là chủ lực của thành phố, tập hợp đội ngũ cán bộ khoa học và doanh nghiệp cùng nhau xây dựng dự án, nhà nước có thể hỗ trợ một phần, thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp, của xã hội để cùng nhau thực hiện dự án. Vấn đề là chúng ta chọn đúng sản phẩm mang tính chiến lược, sản phẩm mang tính chủ lực của thành phố để đầu tư. Và tôi nghĩ rằng, chúng ta xác định 5,7 sản phẩm mà thành công 1,2 sản phẩm cũng đã quý rồi vì những sản phẩm đó mang lại giá trị gia tăng rất lớn cho thành phố cũng như là đem lại vị thế công nghệ cho thành phố. Đó là kinh nghiệm của các quốc gia phát triển đã thành công như Thung lũng Silicon của Mỹ, Khu công nghiệp công nghệ cao Trung Quan Thôn của Trung Quốc” – ông Nguyễn Quân bày tỏ.