Khởi sắc từ những làng Chăm Ninh Thuận sau 50 năm giải phóng
Từ những làng quê nghèo khó, sau 50 năm ngày giải phóng, bằng sự nỗ lực cùng với các dân tộc anh em trên vùng đất nắng gió Ninh Thuận, và sự hỗ trợ kịp thời của Đảng bộ, chính quyền địa phương, diện mạo các làng Chăm đang khởi sắc, đời sống đồng bào Chăm ngày một ấm no, hạnh phúc.
Với phương châm “cho cần câu hơn cho con cá”, thời gian qua, nhiều chương trình, dự án của Nhà nước đã được đầu tư ở vùng đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận, cơ sở hạ tầng từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất.
Chuyển biến tích cực trong tư duy làm ăn
Cứ vào mỗi buổi sáng sớm là Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, ở làng Chăm Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước lại nhộn nhịp cảnh xe ra vào, người mua, kẻ bán. Những bó măng tây xanh mơn mởn được các xã viên mang đến, còn các thành viên trong HTX tổ chức thu gom, sàng lọc và cho lên xe.
Chị Châu Thị Trâm cho biết, chị làm việc thu mua từ ngày đầu HTX Tuấn Tú thành lập, ngày nào chị cũng phải có mặt ở HTX trước 6h sáng.
"Em ở đây để thua mua măng cho HTX, sáng nào cũng vậy phải có mặt từ sớm để đón bà con xã viên mang măng tây xanh tới. Tùy theo thời thời tiết, mỗi ngày dao động từ 2 đến 5 tạ măng, trời nắng quá thì măng giảm, còn mùa Đông Xuân thì nhiều măng lắm. Nhờ có HTX này mà giữ giá ổn định cho bà con xã viên." Chị Trâm nói.
Xã An Hải là địa phương thuần nông của huyện Ninh Phước và cũng là vùng trồng rau an toàn lớn nhất ở tỉnh Ninh Thuận với 300ha.
Khoảng năm 2010, xuất phát từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây măng tây xanh bắt đầu bén rễ và được nông dân địa phương chọn làm cây "giảm nghèo".

Chị Thị Kỳ chăm sóc vườn măng tây
Tại làng Chăm Tuấn Tú, gia đình chị Thị Kỳ là một trong những hộ có thu nhập khá giả nhờ mạnh dạn trồng cây măng tây xanh. Chị Kỳ cho biết, trước đây gia đình trồng rau màu nhưng đầu ra không ổn định, thu nhập bấp bênh. Năm 2016, liên kết trồng măng tây với HTX, gần 3 sào măng tây, gia đình chị có thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
"Trồng măng tây giúp gia đình có thu nhập ổn định hằng ngày. Trước đây chưa trồng măng thì đi làm thuê cho người ta khổ lắm. Bây giờ, trồng măng thu nhập ổn định, có tiền cho gia đình chi tiêu hằng ngày. Mỗi ngày thu hơn 20kg măng, nhưng có ngày ít hơn. Trung bình mỗi tháng cho thu nhập trên 20 triệu đồng." Chị Kỳ cho biết thêm.
Rời làng Chăm Tuấn Tú, xã An Hải, chúng tôi tìm về làng Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.
Giữa cái nắng tháng 4, ông Dương Tài Tin ở làng Chăm Mỹ Nghiệp đang tu sửa các chòi, cắt tỉa cây cảnh, bổ sung thêm cây kiểng cho điểm du lịch sinh thái Sen Araphat.
Ông Tin cho biết, hơn 10 năm trước, một số hộ dân đã chuyển đổi đất ruộng trũng canh tác lúa không hiệu quả sang trồng sen lấy hạt, lấy ngó sen. Sau đó, thấy nhiều người tìm đến chụp ảnh, họ chuyển sang làm du lịch.
Ông Tin cho biết thêm: "Đầu tiên mình khai hoang được hơn 1 mẫu làm lúa, nuôi vịt, nhưng do là vùng trũng nên mưa xuống ngập hết, thế là gia đình phải nghỉ sang làm việc khác. Qua học hỏi, thấy có cây sen phù hợp và cho lợi nhuận gấp đôi làm lúa nên gia đình quyết định chuyển sang trồng sen và mở rộng hơn 2ha. Sau đó, cán bộ ngành du lịch có xuống đề cập việc hợp đồng với gia đình để làm du lịch sinh thái trên cánh đồng sen này, qua đó, gia đình học hỏi thêm và quyết định mở làm du lịch."

Gia đình ông Tin làm mới khu vườn để chuẩn bị đón khách dịp lễ 30/4 và 1/5 tới
Nếu như trước đây, đồng bào Chăm ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, chỉ biết dựa vào nước trời để trồng hoa màu, cho thu nhập bấp bênh thì nay khi đã chủ động nguồn nước nhờ hệ thống thủy lợi đã chuyển đổi cây trồng mang lại nguồn thu ổn định.
Còn một số bà con người Chăm ở khu phố Mỹ Nghiệp, vài năm gần đây cũng chuyển sang làm du lịch sinh thái và bước đầu cũng thu được kết quả như mong đợi. Điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong tư duy làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Tiếp tục thúc đẩy phát triển
Tỉnh Ninh Thuận hiện có gần 20.000 hộ đồng bào Chăm, với trên 90.200 khẩu, chiếm 12,3% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Chăm; tỉnh Ninh Thuận cũng rất quan tâm và triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án và các công việc cụ thể để thúc đẩy phát triển vùng đồng bào Chăm.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, điều kiện về cơ sở hạ tầng, đời sống dân sinh của bà con nhân dân vùng đồng bào Chăm từng bước được cũng cố và phát triển. Các xã có đồng bào Chăm sinh sống hiện nay cơ bản đều là những xã nông thôn mới. Đây là một trong những thành quả thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước.

Làng Chăm Hậu Sanh trong dịp lễ hội Katê
Trong thời gian đến, chúng tôi xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền núi, rồi đồng bào Chăm, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là một trong những việc mà tỉnh Ninh Thuận cũng đặc biệt quan tâm. Tỉnh cũng giao cho các ngành cụ thể, đề ra các chương trình, kế hoạch rất là cụ thể để triển khai, làm sao đó tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, bổ sung lồng ghép các nguồn lực để Nhà nước tập trung đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Chăm. Ông Trần Quốc Nam cho biết thêm.
Từ những làng quê nghèo khó, sau 50 năm ngày giải phóng, bằng sự nỗ lực cùng với các dân tộc anh em trên vùng đất nắng gió Ninh Thuận, và sự hỗ trợ kịp thời của Đảng bộ, chính quyền địa phương, diện mạo các làng Chăm đang khởi sắc, đời sống đồng bào Chăm ngày một ấm no, hạnh phúc.