Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước
Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, ngày 4/4, Bộ Công thương vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025. Trong đó đề ra nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu trong năm nay tăng trưởng GDP 8% và tăng trường 12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Người dân mua sắm hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội (Ảnh: TRẦN HẢI)
Theo đó, đây là lần đầu tiên, Bộ Công thương giao chỉ tiêu phấn đấu cho các đơn vị trực thuộc, Sở Công thương các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng nhằm quyết tâm đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng 12% theo tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ.
Theo đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, kinh tế cả nước tiếp tục đà phục hồi và phát triển, các lĩnh vực đầu tư, xuất nhập khẩu, thương mại,... duy trì đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2024 (so với cùng kỳ năm trước, trong 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng 21,7%, đầu tư nước ngoài tăng 35,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 32,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,4%).
Mặc dù nền kinh tế đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhưng so với mục tiêu Chính phủ giao tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 12%, mức tăng trưởng của thị trường bán lẻ hàng hóa, dịch vụ các tháng đầu năm chưa đạt mức kỳ vọng và tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức do tác động của thị trường nước ngoài, các chính sách bảo hộ của các nước lớn trên thế giới.
Vì vậy, Bộ Công thương giao Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phối hợp với Sở Công thương các địa phương, các doanh nghiệp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, kết hợp với việc triển khai các Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Đặc biệt trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu lớn áp dụng chính sách bảo hộ. Đẩy mạnh triển khai các đề án, chương trình mục tiêu về phát triển thương mại và thị trường trong nước đã được phê duyệt. Tổ chức hội nghị về giải pháp phát triển thị trường trong nước nhằm đánh giá tình hình, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tại các địa phương và doanh nghiệp.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để thiết kế, xây dựng chính sách và các chương trình kích cầu tiêu dùng, các chương trình khuyến khích mua sắm trên phạm vi toàn quốc, kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh, đặc biệt vào các dịp tiêu dùng thấp điểm giữa năm.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là trong các chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm tránh việc lợi dụng các hoạt động xúc tiến thương mại để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng; tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng tháo gỡ khó khăn, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương và vùng miền, sản phẩm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước, sản phẩm nông nghiệp an toàn, có chất lượng, các sản phẩm OCOP.
Phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các đơn vị liên quan tăng cường xây dựng, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước có tính tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu; kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch.
Chủ trì, phối hợp với các Sở Công thương trên toàn quốc, các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan bộ ngành thuộc tất cả các lĩnh vực kinh tế tổ chức và hỗ trợ tiêu thụ hàng xuất khẩu khi một số thị trường xuất khẩu lớn gặp khó khăn,....
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/day-manh-phat-trien-thi-truong-trong-nuoc-post870211.html