Đẩy mạnh phòng chống bệnh lao ở các tuyến
Công tác phòng, chống bệnh lao ở tỉnh Kiên Giang được đẩy mạnh ở các tuyến trong thời gian qua. Nhiều bệnh nhân lao được phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn.
Chủ đề của ngày thế giới phòng, chống lao năm 2024 là “Yes! We can end tb” (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao). Trên cơ sở chủ đề của thế giới, chủ đề ngày thế giới phòng, chống lao năm 2024 của Việt Nam là “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”. Đây là một chủ đề nhằm khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của các tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.
Ngày 17-3-2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xem công tác phòng, chống bệnh lao là một nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành y tế là nòng cốt. Sở Y tế đã xây dựng phương hướng, kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao, đề ra mục tiêu giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng hàng năm.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Kiên Giang cho biết để thực hiện đạt mục tiêu phòng, chống bệnh lao đã đề ra, bệnh viện phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền về bệnh lao để người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa hiểu đúng về bệnh lao và chủ động đến các cơ sở y tế xét nghiệm khi nghi ngờ mắc bệnh. Các cơ sở y tế sẽ sớm phát hiện bệnh lao mới để quản lý, điều trị hiệu quả và hạn chế bệnh lao lây lan trong cộng đồng.
Nhờ vậy, năm 2023, toàn tỉnh có 30.437 người thực hiện lam xét nghiệm; 16.868 người thử đàm; qua đó phát hiện 2.961 người mắc bệnh lao mới (nghĩa là có 168 bệnh nhân lao/100.000 dân); điều trị bệnh lao thành công 2.627 bệnh nhân, đạt 88%.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới điều tra tại Việt Nam, tỷ lệ phát hiện bệnh lao trong cộng đồng chỉ đạt 59%, nghĩa là còn 41% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, quản lý và điều trị.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Tình - bác sĩ điều trị Khoa Lao và bệnh phổi Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Kiên Giang, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm, do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên, không phải là bệnh di truyền. Một người bệnh lao phổi không điều trị, trong một năm có thể làm lây bệnh cho 10-15 người khác. Trong số đó, có người tiếp tục trở thành nguồn lây bệnh cho cộng đồng.
Tuy nhiên, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, liệu trình. Thời gian điều trị bệnh lao kéo dài và liên tục. Do đó, bệnh nhân cần kiên trì điều trị, nếu bỏ điều trị, có thể dẫn đến tử vong hoặc mắc lao đa kháng thuốc, tiền siêu kháng hay siêu kháng thuốc rất khó điều trị.
Đang chăm sóc người thân điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Kiên Giang, chị H.T.N, ngụ xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất nói: “Chồng tôi phát hiện mình mắc bệnh lao hơn 7 năm. Lúc ấy chồng tôi rất lo lắng, sợ lây bệnh cho người thân, tích cực điều trị nên sức khỏe ổn định. Hơn tuần nay, thấy chồng tôi hay mệt và ho nhiều nên tôi đưa đi nhập viện để kiểm tra sức khỏe và có phương án điều trị tốt hơn”.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Việt khuyến cáo khi nghi ngờ mắc bệnh lao người dân đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn thực hiện các bước sàng lọc, xét nghiệm phát hiện bệnh, điều trị kịp thời; hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Người bệnh lao phải tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất; đồng thời phải thực hiện các biện pháp tránh lây nhiễm cho những người xung quanh như đeo khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho; không khạc nhổ bừa bãi, khạc đàm vào khăn giấy rồi đốt, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên; đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở của người bệnh, thông khí tự nhiên (cửa ra vào, cửa sổ thoáng) có ánh nắng; thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, mền, mùng…
Bài và ảnh: VĨ AN
Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/y-te/day-manh-phong-chong-benh-lao-o-cac-tuyen-19566.html