Đẩy mạnh phòng-chống dịch đi đôi phát triển kinh tế-xã hội

Chiều 5-8, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác tháng 7 và triển khai nhiệm vụ tháng 8-2021 theo hình thức trực tuyến tại 2 phòng họp của UBND tỉnh.

Những kết quả khả quan

Trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Gia Lai đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng-chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Trong hoàn cảnh khó khăn nhưng giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, thu ngân sách, kim ngạch xuất-nhập khẩu... tăng so với cùng kỳ năm trước.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn

Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) tháng 7 ước đạt 1.931 tỷ đồng, tính chung 7 tháng đạt 12.797 tỷ đồng, bằng 51,6% kế hoạch, tăng 13,88% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 ước đạt 6.500 tỷ đồng, tính chung 7 tháng ước đạt 42.659 tỷ đồng, bằng 50,79% kế hoạch, tăng 11,07% so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo điều kiện thuận lợi để tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm của tỉnh. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 45 triệu USD, tính chung 7 tháng đạt 360 triệu USD, bằng 59,02% kế hoạch, tăng 22,03% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực tăng (đặc biệt cà phê, cao su, trái cây). Thu ngân sách trên địa bàn tháng 7 đạt 803,71 tỷ đồng, tính chung 7 tháng đạt 4.375,1 tỷ đồng, bằng 96,11% dự toán Trung ương giao, đạt 86,69% dự toán HĐND tỉnh giao và 79,93% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát, thực hiện các dự án trên địa bàn. Trong tháng đã chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án với tổng vốn đăng ký 1.370 tỷ đồng; tính chung 7 tháng đã chấp thuận chủ trương đầu tư 30 dự án với tổng vốn đăng ký 17.420 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cùng với dịch Covid-19, các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân. Tính đến cuối tháng 7-2021, toàn tỉnh gieo trồng được 188.211 ha cây trồng các loại, đạt 86,7% kế hoạch, bằng 99,46% so với cùng kỳ năm 2020. Qua kiểm tra, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.040 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút; 327,9 ha mía nhiễm bệnh trắng lá, phân bố cục bộ tại các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ ngày 27-5 gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Đến cuối tháng 7-2021, toàn tỉnh phát hiện 13.572 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục của 8.160 hộ tại 149 xã, phường, thị trấn thuộc 14 huyện, thị xã, thành phố; ngành chức năng đã tiêu hủy 700 con bò (tương đương với 105.568 kg), đã có 4.170 con bò khỏi bệnh.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, y tế tiếp tục có bước phát triển. Các chế độ, chính sách cho đối tượng thụ hưởng được thực hiện kịp thời, đầy đủ. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Tấn

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Tấn

Trong công tác phòng-chống dịch Covid-19, từ ngày 28-5 đến 17 giờ ngày 3-8-2021 trên địa bàn tỉnh đã có 12.926 người đi từ vùng dịch về được tổ chức cách ly tại nhà và hàng chục ngàn người được cách ly tại các khu cách ly tập trung (hầu hết là người từ vùng dịch ở các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ). Thời gian gần đây, mỗi ngày có từ 400 đến trên 900 người từ các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 về tỉnh và trên dưới 1.000 người đi qua địa bàn tỉnh, gây thách thức lớn cho các khu cách ly, cơ sở điều trị. Từ ngày 26-4-2021 đến 16 giờ ngày 5-8, Gia Lai ghi nhận 163 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2, trong đó, 7 trường hợp đã xuất viện.
Tỉnh đã chủ động theo sát, nắm tình hình, phát hiện và triển khai các biện pháp xử lý, kịp thời dập nhanh các ổ dịch mới không để lây lan trong cộng đồng tại các huyện Krông Pa, Ia Pa, Kbang, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku. Đồng thời, tỉnh đã chủ động xây dựng các chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 ở các cửa ngõ vào tỉnh, góp phần kiểm soát ngay từ đầu vào, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Cùng với đó, công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 4 được tỉnh tập trung thực hiện, đến ngày 3-8 đã tiêm 16.448 người/17.790 liều, đạt 92,46%; công tác tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn, đúng đối tượng.

Tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”

Tham gia thảo luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa thông tin: Dịch Covid-19 khiến việc lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn, giá các loại trái cây, thịt heo hơi giảm gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Hiện ngành đang phối hợp Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT để tháo gỡ những điểm nghẽn nhằm kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Sở Công thương, Cục Quản lý Thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật… để kiểm soát chặt chẽ giá đầu vào và đầu ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Triển khai phân bổ 40 ngàn liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho người dân khẩn trương tiêm phòng bao vây ổ dịch cũng như tuyên truyền các doanh nghiệp, người dân chủ động mua vắc xin để tiêm bảo vệ đàn trâu, bò. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết, tập trung kế hoạch sản xuất vụ mùa; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tập trung rà soát, xây dựng, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; chuyển đổi giống cây trồng phù hợp. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng-chống cháy rừng, chăm sóc tốt diện tích rừng đã trồng, kế hoạch trồng rừng năm 2021 (8.000 ha).
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đánh giá cao những kết quả đạt được trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021 dù chịu tác động nhiều mặt của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các sở, ngành, chính quyền địa phương không được lơ là, cần triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp đảm bảo vừa phòng-chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, tính tới thời điểm này, Gia Lai đang ở vùng an toàn (vùng xanh của Tây Nguyên) nhưng nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát là rất lớn nếu không có giải pháp cụ thể, chặt chẽ để kiểm soát. Do đó, các cấp, các ngành, địa phương cần thể hiện quyết tâm cao nhất để tập trung giữ vững vùng an toàn, qua đó tạo tiền đề để vươn lên hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Quang cảnh tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 khu vực cầu 110 (huyện Chư Pưh) ngày 22-7-2021. Ảnh: Thúy Trinh

Quang cảnh tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 khu vực cầu 110 (huyện Chư Pưh) ngày 22-7-2021. Ảnh: Thúy Trinh

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện cho bằng được “nhiệm vụ kép”. Đối với công tác phòng-chống dịch Covid-19, cần siết chặt các chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm các quy định về phòng-chống dịch; không để lọt các đối tượng cách ly, nhất là cách ly tại nhà; tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, trong các bệnh viện; nâng cao trách nhiệm tổ Covid cộng đồng… quyết không để dịch lây lan tại cộng đồng. Đồng thời, phát huy tất cả các khả năng hiện có để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2021. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương hết sức chú ý đến công tác an sinh xã hội, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nâng cao trách nhiệm, khẩn trương lập danh sách và kinh phí hỗ trợ cho người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm kịp thời giảm bớt khó khăn cho người dân.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án đầu tư, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, giải ngân vốn. Đặc biệt, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư; chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới; phòng-chống thiên tai, bão lũ.

QUANG TẤN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8301/202108/day-manh-phong-chong-dich-di-doi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5746865/