Đẩy mạnh quản lý, vận hành thu gom chất thải rắn nông thôn
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là đảm bảo vệ sinh, môi trường khu vực nông thôn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mộc Châu đã ban hành Kết luận số 20-KL/HU ngày 20/10/2020 về chủ trương thực hiện quản lý, vận hành thu gom chất thải rắn nông thôn, sau một thời gian thực hiện đã thu được những kết quả tích cực.
Khơi nguồn sức dân để làm đẹp cảnh quan, môi trường
Thực hiện chủ trương quản lý, vận hành thu gom chất thải rắn nông thôn, UBND xã Chiềng Sơn đã chỉ đạo các bản vào ngày thứ ba hàng tuần thực hiện thu gom rác thải tập kết đến bãi rác tập trung của xã để xử lý với khối lượng rác thải các loại khoảng 35m³ khối/tháng; đối với các bản ở xa trung tâm, giao các hộ dân tự đào hố chôn lấp rác tại các vườn đồi. Duy trì vệ sinh môi trường ngày đầu tuần và trong tháng, thực hiện kế hoạch phân công nhiệm vụ cho các tổ công tác phụ trách đôn đốc thực hiện tiêu chí môi trường như dọn dẹp vệ sinh môi trường ngày chủ nhật tuần đầu hàng tháng. Trong năm, xã đã tổ chức dọn vệ sinh được 60 đợt, với 15.350 lượt người tham gia để thu gom được 418 kg vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật bàn giao cho huyện xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, xã đã cử 1 hộ thực hiện dịch vụ thu gom rác thải thường xuyên vào ngày thứ ba hàng tuần thu gom rác tại 10 bản, tiểu khu ở khu vực trung tâm xã đến bãi rác thải tập trung của xã. Trung bình mỗi tháng thu gom được khoảng 35 tấn rác cho 590 hộ gia đình, mức thu 30.000 đồng/hộ/tháng.
Ông Phạm Văn Bình, tiểu khu 3/2, xã Chiềng Sơn, cho biết: Việc thu gom rác thải tại xã đang được triển khai hoạt động hiệu quả, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt tại các bản, tiểu khu trung tâm xã đã được giải quyết, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp.
Tại xã Chiềng Hắc, UBND xã cũng đã thành lập Tổ thu gom rác tại các bản Tây Hưng, Ta Niết, Nong Phú, Tán Thuật, Tà Số 1, Tà Số 2, Phá Phang 1... Đáng nói là các bản thành lập thành lập Tổ thu gom rác đều có những đổi mới, sáng tạo trong việc đầu tư xe chở rác, cách thức vận hành để công việc được phát huy hiệu quả nhất. Đơn cử như bản Ta Niết, với địa hình dốc nên bản đã đầu tư 1 chiếc xe máy kéo trị giá 12 triệu đồng để thu gom rác thay vì buộc thùng rác vào xe máy như các bản khác; số lượng hộ dân đông, bản đã thành lập Tổ thu gom rác với 5 thành viên, thay vì 3 thành viên như một số bản khác...
Ông Vì Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc, cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền đến các bản, các hộ dân thực hiện tốt việc thu gom chất thải rắn thì chúng tôi cũng ban hành các quy chế bảo vệ môi trường về thu gom rác thải trong khu dân cư để đề cao trách nhiệm của Ban quản lý, trách nhiệm của cán bộ y tế bản, trách nhiệm của trưởng bản, các hộ gia đình, các thành viên của tổ thu gom rác thải.
UBND huyện Mộc Châu cũng đang thực hiện thí điểm Đề án phân loại chất thải rắn tại nguồn thí điểm tại địa bàn thị trấn Mộc Châu. Theo đó đã đã lắp đặt 6 pano tuyên truyền về nội dung phân loại chất thải rắn tại nguồn tại các tiểu khu: 1, 3, 4, 8, 11 và bản Mòn. Thực hiện in ấn, phát 5.000 tờ rơi cho các hộ gia đình trên địa bàn thị trấn Mộc Châu. Thường xuyên đưa tin trên hệ thống loa phát thanh về phân loại chất thải rắn tại nguồn; thực hiện lồng ghép nội dung tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn trong các buổi họp dân và các buổi tuyên truyền pháp luật các lĩnh vực khác để nhân dân nắm bắt và thực hiện. Chỉ đạo tuyên truyền 4 cuộc/4 cụm với 120 lượt người tham gia là các bí thư, tiểu khu trưởng, tổ trưởng dân phố; giao Phòng Giáo dục - Đào tạo, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trường tiểu học Mộc Lỵ tổ chức ngoại khóa chủ đề “Phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn” cho các em học sinh từ khối 1 đến khối 5 Trường tiểu học Mộc Lỵ với số lượng 600 học sinh.
Quy hoạch các điểm xử lý rác thải
Huyện Mộc Châu hiện có 5 điểm quy hoạch xử lý rác thải tại thị trấn Nông trường Mộc Châu và các xã Tân Lập, Chiềng Sơn, Mường Sang, nhưng chưa được đưa vào vận hành. Đối với khu xử lý rác thải tập trung tại tiểu khu 14, thị trấn Mộc Châu lại không thuộc điểm quy hoạch được phê duyệt, do đó gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tập trung. Bên cạnh đó, huyện Mộc Châu vẫn đang áp dụng phương pháp chôn lấp trực tiếp tại bãi rác của huyện, dẫn đến quá trình phân hủy kéo dài, không đảm bảo về vệ sinh môi trường.
Để khắc phục khó khăn trên, Ban Thường vụ huyện ủy Mộc Châu đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong định hướng đầu tư lâu dài cho công tác xử lý rác thải tại các xã, thị trấn. Đặc biệt là đang triển khai thực hiện dự án Nhà máy xử lý môi trường huyện Mộc Châu tại xã Mường Sang và đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư dự án. Dự kiến nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào cuối quý IV năm 2022, hoàn thành đưa vào vận hành vào quý II năm 2023. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ giải quyết được vấn đề xử lý rác trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.
Đồng chí Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Để khắc phục những khó khăn trên và thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành thu gom chất thải rắn trên địa bàn, huyện đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các điểm quy hoạch xử lý rác thải. Chỉ đạo các sở, ngành quan tâm, hướng dẫn chủ đầu tư là Công ty cổ phần Môi trường đô thị và xây dựng tỉnh Điện Biên sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai, xây dựng Nhà máy xử lý môi trường trên địa bàn huyện Mộc Châu để nhà máy sớm được đưa vào vận hành.
UBND huyện Mộc Châu cũng đang rà soát, cập nhật các vị trí bãi rác vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Mộc Châu, gồm: Bãi rác thải xã Chiềng Sơn với diện tích 3,99 ha; Nhà máy xử lý môi trường huyện Mộc Châu tại xã Mường Sang với diện tích 10,28 ha; Điểm thu gom rác thải thị trấn Nông trường Mộc Châu với diện tích 0,47 ha; Xây dựng bãi chôn lấp rác thải huyện Mộc Châu với diện tích 3,38 ha; Bãi rác thải tại các xã: Chiềng Khừa, Nà Mường, Tà Lại, Lóng Sập, Chiềng Hắc, Tân Lập với tổng diện tích 6,56 ha. Đây sẽ là điều kiện để huyện Mộc Châu thực hiện tốt các tiêu chí về vệ sinh môi trường tại địa phương, đảm bảo yêu cầu về cơ sở hạ tầng đô thị để xây dựng Mộc Châu trở thành thị xã vào năm 2025.