Đẩy mạnh quảng bá, kết nối để tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, TP. Sông Công đã có nhiều giải pháp nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản địa phương đến với người tiêu dùng.
Những năm gần đây, chè được xác định là một trong những cây trồng chủ lực ở TP. Sông Công, với tổng diện tích trên 450ha, tập trung nhiều tại các xã, phường: Bá Xuyên, Bình Sơn, Châu Sơn. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè, cùng với việc chú trọng khâu chế biến, các cơ sở sản xuất cũng tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm, cải tiến mẫu mã, dán tem truy xuất nguồn gốc...
Nhờ đó, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của Sông Công được cải thiện rõ rệt. Đến nay, địa phương có 10 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP (trong đó có 6 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm đạt 4 sao) và trên 70ha chè được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm chè cũng được thành phố quan tâm, như: đưa sản phẩm tham gia hội chợ, triển lãm, trưng bày sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hội chợ triển lãm OCOP; phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của 2 HTX lên các sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart, Voso... Từ đó, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chè Sông Công.
Không chỉ với sản phẩm chè, theo ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công: Thời gian qua, thành phố tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Theo đó, các cơ quan chuyên môn kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh định hình ý tưởng, phát triển sản phẩm dựa trên những thế mạnh của địa phương; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp, HTX...
Khi có được những sản phẩm chất lượng, hàng năm, TP. Sông Công tổ chức cho từ 3 đến 4 doanh nghiệp, HTX sản xuất - kinh doanh nông sản tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, với nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu thành tựu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường; nâng cao nhận thức trong việc tham gia quảng bá sản phẩm cũng như kỹ năng bán hàng, giới thiệu sản phẩm để thu hút khách hàng.
Để việc quảng bá, giới thiệu nông sản đạt hiệu quả cao, TP. Sông Công cũng phối hợp xây dựng 13 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các xã, phường. Đồng thời, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản thông qua việc hỗ trợ xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm, tập huấn kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử... Đến nay, hình thức tiêu thụ nông sản trên địa bàn ngày càng đa dạng, gắn kết giữa phát triển du lịch với quảng bá và tiêu thụ nông sản...
Bà Chu Thị Thanh Lương, một khách hàng ở TP. Hà Nội, chia sẻ: Khi tham gia tour du lịch trải nghiệm tại hồ Ghềnh Chè (do HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, xã Bình Sơn tổ chức - P.V), tôi đã được trải nghiệm hái chè hữu cơ và thưởng thức các sản phẩm trà của HTX trà Cao Sơn. Sau chuyến đi đó, tôi vẫn thường xuyên đặt mua chè thông qua website bán hàng của đơn vị. Các khâu đặt hàng, vận chuyển, nhận hàng đều rất thuận lợi, nhanh chóng.
Trong kết nối tiêu thụ nông sản, xác định phát triển kinh tế tập thể là điều kiện thuận lợi để xây dựng, quảng bá thương hiệu, TP. Sông Công đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 15 HTX, 142 tổ hợp tác, với trên 700 thành viên. Các HTX, tổ hợp tác đã phát huy vai trò trong việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và từng bước giải quyết tình trạng sản phẩm tồn đọng, hoặc bị ép giá...
Đơn cử như với sản phẩm gạo Đài Thơm 8, ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Chi nhánh Vật tư nông nghiệp TP. Sông Công, cho hay: Vụ xuân năm nay, Chi nhánh phối hợp với Công ty Vinaseed - Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa Đài Thơm 8 tại các xã, phường: Bá Xuyên, Châu Sơn, Lương Sơn, với quy mô gần 50ha. Theo đó, Công ty đã tổ chức thu mua gần 10 tấn thóc tươi của các thành viên Tổ hợp tác sản xuất lúa Đài Thơm 8 tại xã Bá Xuyên. Bước đầu mô hình này đã từng bước hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo của địa phương. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để thành phố phấn đấu xây dựng sản phẩm gạo Đài Thơm 8 đạt tiêu chuẩn OCOP vào cuối năm nay...
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản, đến nay, TP. Sông Công có 13 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 3 sao và 4 sao, chủ yếu là chè và các sản phẩm chế biến từ chăn nuôi ngựa. Ngoài ra, sản phẩm bưởi Tân Quang - Sông Công được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Nhằm kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thời gian tới, TP. Sông Công tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương…