Đẩy mạnh quảng cáo, lợi nhuận bia Hà Nội tăng vọt

Trong năm 2019, Habeco ghi nhận doanh thu thuần 9.439 tỷ đồng, tăng 4% và lợi nhuận sau thuế đạt 539 tỷ đồng, tăng 11%

Hai nhãn hiệu mới của Habeco: Hainoi BOLD và Hanoi Light

Hai nhãn hiệu mới của Habeco: Hainoi BOLD và Hanoi Light

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019 với lợi nhuận tăng vọt.

Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đạt 2.769 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 67,2 tỷ đồng, tăng gần 7 lần. Cùng kỳ năm trước, Habeco chỉ ghi nhận 9,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Lũy kế cả năm 2019, Habeco ghi nhận doanh thu thuần 9.439 tỷ đồng, tăng 4%; còn lợi nhuận sau thuế đạt 539,5 tỷ đồng, tăng 11%. Lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn doanh thu nhờ Habeco đã cải thiện biên lãi gộp, đạt 25,9% so với mức 24,7% năm trước đó.

Sau nhiều năm gặp khó khăn, lợi nhuận Habeco đã tăng trưởng trở lại. Công ty đã hoàn vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng trong năm 2019 mà Ban lãnh đạo đề ra hồi đầu năm.

Sự trở lại của Habeco song song với hoạt động đẩy mạnh quảng cáo. Năm qua, chi phí bán hàng của công ty đạt 1.446 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2018. Trong đó, công ty đã chi 803 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ, tăng 25% so với năm trước. Thậm chí có thời điểm, Habeco chi nhiều tiền cho quảng cáo hơn cả Sabeco, doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam.

Số tiền được chi ra để Habeco thay đổi bộ nhận diện thương hiệu và đồng thời cho ra mắt những sản phẩm bia mới. Hai sản phẩm bia Hanoi Bold & Light liên tục xuất hiện trên truyền thông với định vị hướng tới giới trẻ.

Đến cuối năm 2019, tổng tài sản Habeco đạt 7.883 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước đó. Tài sản giảm chủ yếu do công ty giảm lượng tiền mặt. Tiền và các khoản tiền gửi ngắn hạn của Habeco tính đến cuối năm 2019 đạt hơn 2.800 tỷ đồng, giảm hơn 900 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho của công ty cũng giảm hơn 100 tỷ đồng, xuống còn 650 tỷ đồng so với mức 805 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Hàng tồn kho giảm sau khi Habeco tái cấu trúc lại hệ thống phân phối

Hoạt động tái cơ cấu của Habeco diễn ra trong bối cảnh quá trình bán vốn nhà nước tại đây cho nhà đầu tư chiến lược gặp nhiều trở ngại. Carlsberg, đối tác ngoại lớn nhất của Habeco, đang nắm giữ trên 17% cổ phần của doanh nghiệp này không sẵn sàng mua lại công ty bằng mọi giá.

Về phía Nhà nước, đại diện Bộ Công thương cho biết, trong trường hợp thương vụ với Carlsberg không thành, Bộ Công thương sẵn sàng tìm kiếm đối tác chiến lược khác cho Habeco. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là cam kết trong hợp đồng đã ký với Carlsberg ưu tiên đơn vị này mua cổ phần nhà nước tại Habeco.

Dù kết quả tích cực, năm 2020 được dự báo sẽ là năm đầy khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bia rượu như Habeco. Nghị định 100 mới có hiệu lực đầu năm 2020 đã tăng hình phạt lên rất nặng đối với người điều khiển giao thông sử dụng bia rượu.

Đối với quốc gia có hệ thống giao thông công cộng còn kém phát triển như Việt Nam, Nghị định mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh tới tốc độ tăng trưởng của thị trường đồ uống có cồn. Hãng tin Bloomberg nhận định, doanh số ngành bia Việt Nam sẽ giảm ít nhất 25% trong năm 2020.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/day-manh-quang-cao-loi-nhuan-bia-ha-noi-tang-vot-1581049102835.htm