Đẩy mạnh sản xuất 'thuận thiên'
Phát triển nền nông nghiệp theo hướng thuận thiên mang tính bền vững sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân
ĐBSCL được xem là vựa lúa, vựa trái cây và vựa thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người nơi đây vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của vùng đất "chín rồng".
Đạt tiêu chuẩn nông nghiệp sinh thái
Các tỉnh, thành ĐBSCL được thiên nhiên ưu ái với hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ đan xen và đất đai màu mỡ nên các mô hình phát triển kinh tế cũng khá đa dạng. Trong đó, mô hình sản xuất lúa - tôm (một vụ lúa và một vụ tôm) trên cùng diện tích đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, năm 2022, diện tích nuôi tôm toàn vùng ĐBSCL đạt 747.000 ha. Trong đó, diện tích tôm - lúa khoảng 190.000 ha, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Trà Vinh. Sản lượng tôm thương phẩm từ mô hình này mang lại trên 120.000 tấn. Tùy vào đặc điểm từng địa phương mà mô hình tôm - lúa được áp dụng theo cách nuôi quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến hay nuôi tôm sú luân canh trồng lúa.
Ông Đinh Tấn Công - ngụ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu - cho hay ông đã gắn bó với mô hình "con tôm ôm cây lúa" hàng chục năm nay. Mô hình này đã giúp ông thu về lợi nhuận trên 250 triệu đồng/năm từ việc bán tôm thương phẩm và lúa.
Theo ông Công, sau Tết âm lịch, ông và người dân địa phương đồng loạt mua tôm sú giống về thả nuôi, khoảng 6 tháng thì thu hoạch. Sau đó, người dân tát cạn nước trong vuông để phơi đất, lấy nước vào rồi xổ ra để rửa độ mặn còn sót... Tiếp đến, họ sạ lúa và thả thêm tôm càng.
"Lúa ST24 và ST25 phù hợp với đất nhiễm mặn nên đa phần nông dân đều chọn giống này. Trung bình, năng suất lúa đạt khoảng 7-8 tấn/ha. Gạo ST24 và ST25 được đánh giá là ngon nhất, nhì thế giới nên luôn bán được giá cao. Nhờ mô hình này mà tôi và người dân nơi đây có nguồn thu nhập khá" - ông Công phấn khởi.
Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho biết sản xuất theo mô hình lúa - tôm đã đạt được tiêu chuẩn nông nghiệp sinh thái, mang tính đa dạng cao. Mô hình này cũng góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, sản phẩm sẽ được dán nhãn xanh nên có giá bán cao hơn các mặt hàng thông thường.
Nhiều chuyên gia cho rằng mô hình sản xuất lúa - tôm có quan hệ hỗ trợ, tương tác nhau. Cụ thể, chất thải hữu cơ và một số khoáng vi lượng tồn tại khi nuôi tôm là nguồn dinh dưỡng lý tưởng để lúa phát triển. Bên cạnh đó, rơm, rạ từ lúa là nguồn thức ăn cho tôm, giúp chúng phát triển nhanh và mau lớn, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Mô hình này giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tạo nên sản phẩm sạch, tăng lợi nhuận vì không dùng thuốc hóa học, phân bón...
Theo các chuyên gia, việc mở rộng quy mô hay chọn cây, con giống cần phải phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Nền nông nghiệp phát triển theo hướng "thuận thiên" sẽ mang tính bền vững và đem lại hiệu quả cao cho người dân.
Gỡ khó cho nông dân
Thời gian qua, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đã tác động đến hoạt động sản xuất ở nhiều địa phương nói chung, ĐBSCL nói riêng. Bên cạnh những thuận lợi, mô hình sản xuất lúa - tôm cũng đang gặp một số khó khăn như: nguồn tôm giống chất lượng không ổn định, giá cao; nhiều giống lúa chỉ chịu được độ mặn thấp, không trổ bông; hệ thống bờ bao hẹp, dễ bị thấm mặn...
Vấn đề trước mắt cần sớm được tháo gỡ để mô hình sản xuất lúa - tôm phát triển là đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi. Nếu đầu tư không đồng bộ sẽ dẫn đến tình trạng một số nơi thiếu nước mặn nuôi tôm hoặc thiếu nước ngọt để rửa mặn phục vụ việc trồng lúa; các sản phẩm từ mô hình lúa - tôm chưa xây dựng được thương hiệu và thị trường không ổn định.
Nhiều chuyên gia gợi ý các địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp tại những tiểu vùng sinh thái ĐBSCL. Bên cạnh đó, thường xuyên tập huấn hỗ trợ kỹ thuật cho người dân để nâng cao năng suất, chất lượng.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho rằng thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành và phát triển những HTX, tổ hợp tác; khuyến khích phát triển liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Song song đó, cần kịp thời đưa ra những dự báo về thị trường để định hướng cho người dân lựa chọn cây, con giống phù hợp nhằm sản xuất theo hướng "thuận thiên", tránh rơi vào tình trạng "trồng - chặt".
Về thương mại, cần tăng cường xây dựng thương hiệu lúa - tôm tại ĐBSCL, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và quốc tế. Ngoài ra, cần tăng cường và phát huy các hoạt động xúc tiến thương mại tại ĐBSCL.
Theo nhiều nông dân kỳ cựu ở ĐBSCL, để phát triển mô hình lúa - tôm bền vững và hiệu quả, cần có những quyết sách mang tầm chiến lược cho nền nông nghiệp nói chung và mô hình này nói riêng. "Có như vậy mới có thể mang lại lợi nhuận tương xứng với công sức người dân bỏ ra" - lão nông Nguyễn Văn Quận ở Cà Mau bày tỏ.
Hướng đến 250.000 ha lúa - tôm
Hội thảo "Thúc đẩy mô hình lúa - tôm và liên kết doanh nghiệp tại ĐBSCL" được tổ chức ở Bạc Liêu mới đây nhằm tìm kiếm những giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại của mô hình; tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn" trong quản lý; liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường...
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã cam kết đồng hành với nông dân trong việc tiêu thụ nông sản; hỗ trợ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp nông dân làm chủ công nghệ để cùng hướng đến mục tiêu năm 2030, diện tích lúa - tôm ở ĐBSCL đạt 250.000 ha.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-tay-24h/day-manh-san-xuat-thuan-thien-20230402195742684.htm