Đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2024
Cuối năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Đây là thời điểm quan trọng, không chỉ là mùa mua sắm cao điểm mà còn là giai đoạn quyết định để hoàn thành các mục tiêu kinh tế cả năm.
Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng trong những tháng cuối năm, cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ và hiệu quả từ phía chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Kích cầu tiêu dùng là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cuối năm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, việc tăng cường sức mua nội địa là cách để giảm thiểu sự phụ thuộc vào xuất khẩu và bảo vệ nền kinh tế trước những biến động bên ngoài.
Một trong những giải pháp quan trọng là tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Các dịp lễ lớn như Giáng sinh và Tết Nguyên đán luôn là thời điểm vàng để doanh nghiệp triển khai các chương trình ưu đãi, thu hút người tiêu dùng. Những chương trình này không chỉ giúp gia tăng doanh số bán hàng mà còn góp phần kích thích tâm lý mua sắm của người dân.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, dự kiến có gần 10 nghìn thương nhân tham gia trên 55 nghìn chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ ngân hàng, trung gian thanh toán, giao thông vận tải... Việc triển khai khuyến mãi tập trung được kỳ vọng sẽ là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; giúp người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm có giá cả phải chăng.
Ngoài ra, chính phủ có thể xem xét áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) tạm thời hoặc hoàn thuế tiêu dùng cho một số ngành hàng thiết yếu. Điều này sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. Đồng thời, các chiến dịch truyền thông như "Người Việt dùng hàng Việt" cần được đẩy mạnh, khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, từ đó không chỉ thúc đẩy sản xuất nội địa mà còn bảo vệ thị trường khỏi sự xâm nhập của hàng ngoại nhập.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối năm, việc tăng cường sản xuất và đảm bảo chuỗi cung ứng liên tục là điều vô cùng cần thiết. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang chịu nhiều áp lực, tối ưu hóa chuỗi cung ứng nội địa và tăng cường sản xuất trở thành giải pháp then chốt.
Doanh nghiệp cần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào ổn định và đẩy nhanh quá trình sản xuất. Việc đầu tư vào công nghệ và tự động hóa sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất từ phía chính phủ như cung cấp gói hỗ trợ tài chính, giảm lãi suất vay vốn, sẽ giúp doanh nghiệp có đủ nguồn lực để tăng cường sản xuất, đảm bảo hàng hóa có sẵn cho thị trường trong thời điểm quan trọng này.
Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ là một trong những chiến lược quan trọng để đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng. Trong những tháng cuối năm, các hội chợ, triển lãm cần được tổ chức rộng rãi để các doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm mới, mở rộng mạng lưới khách hàng và tăng cường nhận diện thương hiệu.
Bên cạnh đó, việc tăng cường hoạt động quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông, bao gồm cả trực tuyến và truyền thống, sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn. Trong thời đại số hóa, các nền tảng thương mại điện tử cũng đóng vai trò quan trọng. Doanh nghiệp cần mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn mở rộng đối tượng khách hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số.
PGS, TS Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh (Trường đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ, thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh hiện đại. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng mua sắm trực tuyến, việc đẩy mạnh phát triển kênh thương mại điện tử trong những tháng cuối năm là một chiến lược quan trọng.
Các doanh nghiệp cần tập trung vào việc tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến, từ giao diện website, ứng dụng đến dịch vụ giao hàng và hậu mãi. Đảm bảo hệ thống giao hàng hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm, cùng với chính sách hoàn trả hàng linh hoạt sẽ giúp tăng niềm tin và sự hài lòng của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mãi, giảm giá đặc biệt cho các đơn hàng trực tuyến, cùng với các chính sách hỗ trợ thanh toán không tiền mặt, sẽ khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ mà còn giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.
PGS. TS Hoàng Xuân Quế, Viện trưởng Ngân hàng - Tài chính (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, Chính phủ cần có các chính sách tài chính hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Có thể xem xét việc cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các hộ gia đình hoặc giảm lãi suất vay tiêu dùng để khuyến khích chi tiêu. Đây là những biện pháp hữu hiệu để tăng cường sức mua của người dân, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bán được hàng hóa, giảm tồn kho và tăng cường sản xuất.
Ngoài ra, khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng và các hình thức thanh toán không tiền mặt thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá cũng sẽ giúp tăng cường tiêu dùng, tạo thuận lợi cho giao dịch thương mại và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, việc theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế và nhu cầu thị trường là rất quan trọng. Chính phủ cần liên tục cập nhật và đánh giá tình hình để có thể điều chỉnh các chính sách kinh tế một cách linh hoạt, đảm bảo các giải pháp đưa ra kịp thời và phù hợp với thực tế.
Những tháng cuối năm luôn là thời điểm quan trọng để nền kinh tế bứt phá và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Với những giải pháp đồng bộ và toàn diện, từ kích cầu tiêu dùng, tăng cường sản xuất, phát triển thương mại điện tử đến các chính sách tài chính hỗ trợ, Việt Nam có thể tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững trong năm 2024.