Đẩy mạnh số hóa để làng nghề Thủ đô phát triển

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, thời gian qua, nhiều làng nghề của Thủ đô đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh việc đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất, quảng bá thương hiệu. Nhờ đó, không chỉ vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề được khắc phục, mà các sản phẩm làng nghề còn tận dụng cơ hội và xu thế công nghệ số để vươn ra thị trường thế giới.

Đưa sản phẩm làng nghề lên sàn thương mại điện tử

Ở Hà Nội, với gần 700 năm tuổi đời, làng nghề gốm Bát Tràng từ bao đời nay vẫn được biết đến là vùng địa linh, với nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: Chùa Tiêu Giao, đình Giang Cao, miếu Bản, đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, văn chỉ Bát Tràng… Trong xu thế của hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự thích ứng với sự bùng nổ của công nghệ số, làng nghề gốm Bát Tràng đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và kết nối giao thương. Nhờ đó, làng nghề Bát Tràng những năm gần đây có đã có những bước tiến xa.

Áo dài trạch xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được nhiều người tiêu dùng biết đến thông qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.

Áo dài trạch xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được nhiều người tiêu dùng biết đến thông qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.

Theo nghệ nhân Phùng Văn Hoàn (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội), trước đây khi chưa có sự phát triển của công nghệ, những sản phẩm của làng Bát Tràng làm ra chỉ có thể bán và giới thiệu sản phẩm tại chỗ. Nhưng hiện nay, cả một làng nghề sản xuất với tốc độ rất cao, nếu người làm nghề không quảng bá, không tiếp cận với những kênh thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu nhanh nhất đến với người tiêu dùng thì đó là thiệt thòi và không thể cạnh tranh nổi.

Là hộ kinh doanh ứng dụng thành công việc đưa sản phẩm gốm Bát Tràng lên sàn thương mại điện tử, anh Trần Dương Quý cho biết, sau khi xây dựng kênh bán hàng online qua các kênh Facebook, zalo… hiện nay các trang này mạng xã hội này của gia đình anh Quý đã thu hút được hàng triệu người tiêu dùng. Cụ thể, riêng với kênh Facebook, sau gần 5 năm xây dựng, hiện kênh bán hàng này của gia đình đã tiếp cận được gần 9 triệu người tiêu dùng. Nhờ đó, mỗi sản phẩm ra mắt đều được đông đảo người tiêu dùng, người buôn bán ở các tỉnh, các địa phương biết đến nhanh chóng…

Cùng với làng nghề gốm Bát Tràng, tại làng nghề thêu truyền thống xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín), cùng với việc ứng dụng công nghệ, nhiều hộ gia đình tại làng nghề đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình thêu tay, tạo dựng... được người dân tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo, thu hút đông đảo khách hàng.

Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, làng nghề thêu tay Thắng Lợi cho biết, cùng với việc sản phẩm được bày bán tại nhà và tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, thì thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và thu hút được rất đông người tiêu dùng, qua đó, sản phẩm được quảng bá và giới thiệu rộng rãi, giá trị sản phẩm theo đó cũng được nâng lên.

Không đứng ngoài “cuộc chiến” ứng dụng chuyển đổi số, cải tiến sản xuất, đẩy mạnh hoạt động đưa sản phẩm làng nghề lên sàn thương mại điện tử, làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội) cũng đang tích cực đổi mới hình thức, phương thức bán hàng, đặc biệt là áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số từ quản lý điều hành đến hoạt động sản xuất và bán hàng. Đi đôi với đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, nhiều hộ trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Những hình ảnh, video về quá trình sản xuất sản phẩm được người dân tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo, thu hút đông đảo khách hàng. Đặc biệt, việc mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ của làng nghề sử dụng phổ biến, đem lại giá trị cao.

Hỗ trợ để làng nghề tiếp cận công nghệ hiện đại

Cùng với việc chú trọng đưa sản phẩm làng nghề lên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác kinh doanh… thời gian qua, việc các làng nghề chú trọng đổi mới đầu tư công nghệ vào sản xuất, không chỉ giúp giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, mà còn giúp nâng cao sự cạnh tranh cho các sản phẩm làng nghề. Nhờ đó, các sản phẩm làng nghề truyền thống ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Cùng với việc đổi mới công nghệ, đưa sản phẩm làng nghề giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử không chỉ giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi mà còn tăng thu nhập cho các nghệ nhân, cơ sở sản xuất.

Cùng với việc đổi mới công nghệ, đưa sản phẩm làng nghề giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử không chỉ giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi mà còn tăng thu nhập cho các nghệ nhân, cơ sở sản xuất.

Tuy nhiên, để các sản phẩm làng nghề truyền thống thực sự vươn xa và đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời đại số, thì việc ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề, đặc biệt là làng nghề thủ công mỹ nghệ, thực hiện mô hình “làng nghề xanh”, “làng nghề số” là xu hướng và nhiệm vụ tất yếu cần phải thực hiện. Khi đã ứng dụng được công nghệ hiện đại vào sản xuất, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng sẽ được xử lý, khi đó việc tăng cường kết nối, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề qua các sàn thương mại điện tử sẽ là một hướng đi mới, hướng đi hiện đại và hiệu quả cần được các cơ sở sản xuất, các nghệ nhân làng nghề đầu tư phát triển.

Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cho biết: “Ngoài ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, tác động của công nghệ 4.0 còn mở ra nhiều kênh tiêu thụ. Ngày nay, người thợ không chỉ bán hàng ở trong cửa hàng mà còn thông qua các kênh thương mại trực tuyến, mạng xã hội. Đặc biệt, đẩy mạnh tương tác trực tuyến để khách hàng cùng tham gia vào thiết kế mẫu mã sản phẩm”.

Cũng đề cập vấn đề ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, phát triển kinh doanh thương mại cho các làng nghề, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các làng nghề cần phát triển kỹ năng số, đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến, cũng như triển khai công tác xúc tiến thương mại từ trực tiếp sang hình thức trực tuyến. Nền tảng mạng xã hội cho phép chúng ta hỗ trợ cho các chủ thể sản phẩm cạnh tranh được bằng chất lượng sản phẩm, bằng câu chuyện sản phẩm.

“Các câu chuyện kể về nguồn gốc xuất xứ, về quá trình sản xuất sản phẩm tạo ra được niềm tin và cảm xúc với người tiêu dùng, qua đó có thể xúc tiến quảng bá, giới thiệu về truyền thống và nét văn hóa của sản phẩm”, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực giá trị cạnh tranh cho các sản phẩm làng nghề, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, hiện thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề. Trong đó, chú trọng vấn đề xử lý môi trường, mở rộng các chương trình kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm làng nghề thông qua các hội chợ, tuần hàng trong nước, quốc tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay quá trình chuyển đổi số chỉ diễn ra tại số ít làng nghề và dừng lại ở việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối online. Số cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử trong kinh doanh còn khiêm tốn. Vì thế, để làng nghề phát triển bền vững, thì cần có sự quy hoạch đồng bộ, cần những tư vấn xây dựng và vận hành Trung tâm thiết kế sáng tạo tại làng nghề; Tư vấn phát triển mô hình làng nghề, tuyến làng nghề, thiết kế thủ công tiêu biểu của Hà Nội và khu vực lân cận, lấy thiết kế sáng tạo và các giá trị văn hóa truyền thống làm cốt lõi. Có như vậy làng nghề và sản phẩm làng nghề mới có thể phát triển bền vững và vươn xa.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/day-manh-so-hoa-de-lang-nghe-thu-do-phat-trien-174078.html