Đẩy mạnh số hóa, sắp xếp bộ máy tinh gọn để đạt mục tiêu tăng trưởng

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong năm 2025, Việt Nam cần đẩy mạnh việc số hóa để giảm thiểu được các chi phí trong nền kinh tế ở mức thấp nhất và tăng năng suất lao động, đồng thời tập trung sắp xếp ổn định bộ máy tinh gọn, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô… là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Đồ họa: Văn Chung

Đồ họa: Văn Chung

PV:Ông đánh giá thế nào về những điểm sáng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có thể nói trên mấy góc độ, trong đó sản xuất kinh doanh tăng trưởng tương đối tốt thông qua việc xuất khẩu hàng hóa năm 2024 đạt hơn 405 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023, đây là một con số rất lớn so với thời gian trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 đạt trên 786 tỷ USD, tăng 15,4%.

Đáng chú ý, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất tốt, vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm trước, nhưng vẫn là con số tương đối lớn, trong đó vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước và đạt mức cao nhất từ trước đến nay, có thể nói, FDI tạo lực cho nền kinh tế phát triển trong năm 2024 cũng như các năm sau.

Đồng thời, năng suất lao động năm 2024 lần đầu tiên vượt chỉ tiêu sau một số năm không đạt chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra. Năm qua, năng suất lao động đạt 5,68%, vượt khoảng 0,3 - 0,4% so với chỉ tiêu đề ra. Điều này rất quan trọng, bởi vì chỉ tiêu tăng năng suất lao động thì Việt Nam trở thành một quốc gia có tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cao trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore là 5,8%. Đưa tổng tăng năng suất lao động Việt Nam trong giai đoạn 2021-2024 lên 4%. Như vậy, đây là một trong những điểm rất nổi bật trong năm 2024.

Một điểm khác là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Đặc biệt, hoạt động dịch vụ du lịch tăng lên, trong đó khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 17,6 triệu khách, tăng 39,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 8,4%, trong đó nổi bật là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 9,8%. Đây là những động lực chính để giúp chúng ta có mức tăng trưởng 7,09% cả năm 2024.

PV:Bước sang năm 2025, bối cảnh thế giới sẽ đặt ra những thách thức gì cho kinh tế Việt Nam, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Năm 2025 là năm có nhiều thay đổi trong đường lối chính sách của nhiều quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ, sẽ tác động đến kinh tế thế giới. Hy vọng, Tổng thống Mỹ Donald Trump với chiều hướng ưu tiên nước Mỹ trên hết, theo đó, các cuộc chiến tranh trên thế giới cũng dịu đi và chú ý nhiều hơn đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, giúp kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn.

Việt Nam cũng không quá lo ngại bởi vì kinh tế đang được tháo gỡ những nút thắt thể chế, bằng việc tinh gọn tổ chức, bộ máy, đẩy năng suất lao động trong khu vực quản lý nhà nước tăng cao lên. Đồng thời, việc áp dụng phương thức mới trong quản lý sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đẩy mạnh tốc độ số hóa, xanh hóa sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Với bài học rút ra năm trước, hy vọng xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng.

Nhìn chung, năm 2025 hứa hẹn là thời điểm Việt Nam có thể bứt phá nếu tiếp tục duy trì các chính sách hiệu quả, tận dụng tối đa các cơ hội quốc tế và hóa giải thành công những thách thức nội tại. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng và nỗ lực không ngừng từ Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp trong cả nước.

Bên cạnh những thuận lợi, kinh tế Việt Nam năm 2025 cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Rủi ro từ thị trường quốc tế như: Nhu cầu về linh kiện điện tử suy giảm, khả năng tăng thuế quan của Mỹ, căng thẳng địa chính trị... có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng. Đặc biệt, những bất ổn về chính sách của chính quyền mới ở Mỹ là một yếu tố khó lường, có thể tác động tiêu cực đến các đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm Việt Nam.

Lạm phát toàn cầu, biến động tỷ giá, giá cả hàng hóa... là những yếu tố khó kiểm soát, có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, với độ mở lớn của nền kinh tế, Việt Nam dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải cách nhưng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn còn những điểm nghẽn cần được tháo gỡ. Các thủ tục hành chính còn phức tạp, chi phí logistics cao, thiếu hụt lao động có kỹ năng... là những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

PV: Để đạt được mục tiêu Chính phủ yêu cầu phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8%. Theo ông, cần chú trọng những giải pháp nào?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% và hướng tới sự phát triển bền vững, tôi cho rằng, quan trọng nhất là đẩy mạnh số hóa nền kinh tế để giảm thiểu được các loại chi phí trong nền kinh tế ở mức thấp nhất và tăng năng suất lao động. Năng suất lao động trong năm 2024 lần đầu tiên vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra, nếu đẩy được năng suất lao động lên thì mới tăng trưởng cao được.

Cùng với đó, cần tập trung sắp xếp ổn định bộ máy tinh gọn, đây là động lực rất quan trọng để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý nhà nước. Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, thay đổi cơ chế, chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đồng thời, giữ ổn định các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế, đặc biệt là ổn định đồng Việt Nam với đô la Mỹ. Trong thời gian tới, đô la Mỹ sẽ lên giá do kinh tế Mỹ tốt lên, thị trường chứng khoán tốt lên, Việt Nam giữ ổn định với đô la Mỹ, có nghĩa đồng Việt Nam lên giá so với các đồng tiền khác. Qua đó, nâng giá trị của đồng Việt Nam, đây là điều rất quan trọng để tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Để tạo bứt phá cao hơn trong 2025, làm tiền đề cho kế hoạch 2026-2030, Chính phủ và Quốc hội đã có những ưu đãi giảm tiếp thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2025 với rất nhiều mặt hàng, giảm 50% thuế môi trường bảo vệ môi trường với xăng dầu. Rõ ràng trong năm 2025, Việt Nam cần xem xét sử dụng các công cụ tài chính để khuyến khích sản xuất trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giúp doanh nghiệp có thể hồi phục nhanh và bền vững hơn.

Ngoài ra, phải quan tâm với những doanh nghiệp lớn, kể cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, cần xem xét các chính sách để hỗ trợ nguồn lực tốt hơn trong tổ chức sản xuất kinh doanh, từ đó trở thành những doanh nghiệp có tiềm lực lớn trong nền kinh tế quốc dân, tạo ra chuỗi sản xuất kinh doanh những mặt hàng thuần Việt có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế…

PV:Xin cảm ơn ông!

Năm 2025, thời điểm hứa hẹn Việt Nam bứt phá

Nhìn chung, năm 2025 hứa hẹn là thời điểm Việt Nam có thể bứt phá nếu tiếp tục duy trì các chính sách hiệu quả, tận dụng tối đa các cơ hội quốc tế và hóa giải thành công những thách thức nội tại. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng và nỗ lực không ngừng từ Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp trong cả nước.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/day-manh-so-hoa-sap-xep-bo-may-tinh-gon-de-dat-muc-tieu-tang-truong-168908-168908.html