Đẩy mạnh số hóa Sổ hộ tịch lịch sử của TP Hải Phòng
Đó là lưu ý của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đối với Sở Tư pháp TP Hải Phòng tại buổi làm việc ngày 14/3 tại Hải Phòng về kết quả c ông tác tư pháp trong quý I/2022 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Chú trọng Chuyển đổi số
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hải Phòng Đỗ Đại Dương cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã triển khai các hoạt động của ngành gắn với thực hiện các Chương trình, Kế hoạch của Bộ Tư pháp, của Thành ủy, HĐND và UBND TP thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế.
Sở Tư pháp đã tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của TP; tiếp tục triển khai có hiệu quả và thống nhất Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND TP xây dựng, hướng dẫn thực hiện Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022 trên địa bàn; triển khai thực hiện Kế hoạch công tác quản lý và kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2022...
Hải Phòng là địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác số hóa Sổ hộ tịch lịch sử của TP.UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt dự toán Đề án với mức tổng đầu tư hơn 43 tỷ đồng, giao Sở Tư pháp là chủ đầu tư. Hiện tại, Sở Tư pháp đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý của Đề án, dự kiến hoàn thiện thủ tục đấu thầu và thực hiện thi công số hóa từ tháng 5/2022.
Công tác lý lịch tư pháp tiếp tục được thực hiện nền nếp, các loại hình dịch vụ pháp lý tạo được tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho các giao dịch, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; phục vụ cải cách tư pháp và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Sở Tư pháp TP Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Sở; tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng, nền tảng dữ liệu để triển khai Chính quyền số.
Trong đó, Sở Tư pháp tổ chức phổ biến, quán triệt việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số trong Ngành Tư pháp và thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ đến cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Sở. Đơn vị cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ thực hiện kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa Phần mềm hộ tịch với Hệ thống một cửa điện tử/Cổng dịch vụ công trực tuyến TP để thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết các TTHC điện tử.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Sở Tư pháp TP Hải Phòng đặt lên hàng đầu với 2 đề án lớn phục vụ công tác chuyển đổi số: Đề án “Số hóa Sổ hộ tịch lịch sử của TP Hải Phòng”; Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu, hoạt động thông tin công chứng hợp đồng, giao dịch bất động sản trên địa bàn.
Tháo gỡ những “điểm nghẽn”...
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hải Phòng Đỗ Đại Dương kiến nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP thực hiện tinh giản biên chế cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tại Hải Phòng, việc bố trí cán bộ pháp chế tại các sở, ban ngành rất khó khăn, cơ bản không bố trí cán bộ chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ này. Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh các mức chi cho công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa QPPL của địa phương hợp lý hơn.
Riêng đối với công tác hành chính tư pháp, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ khắc phục lỗi cấp số định danh cá nhân, đồng bộ hóa thông tin hộ tịch đối với 06 đơn vị hành chính cấp xã mới được sắp xếp lại của TP Hải Phòng.
Hiện nay, hồ sơ về cư trú, hưởng chế độ tử tuất - hỗ trợ chi mai táng/hưởng mai táng phí tương đối phức tạp, nhiều thành phần hồ sơ như hiện nay người dân không thể đáp ứng tại thời điểm nộp hồ sơ thực hiện đăng ký khai tử nên không có cơ sở thực hiện liên thông. Do đó, Sở Tư pháp kiến nghị Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam mở rộng phạm vi kết nối, chia sẻ dữ liệu để thực hiện có hiệu quả liên thông các thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hải Phòng Đỗ Đại Dương mong muốn Bộ Tư pháp có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đề nghị UBND các tỉnh, TP quan tâm bố trí kinh phí ứng dụng CNTT trong hoạt động thông tin công chứng để thực hiện thống nhất giữa các địa phương đồng thời sớm ban hành Thông tư mới hướng dẫn về giám định tư pháp trong các lĩnh vực chuyên ngành để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giám định tư pháp năm 2020; xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích, phát triển các Tổ chức giám định tư pháp do tư nhân đầu tư.
Tại buổi làm việc, đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Cục CNTT, Văn phòng Bộ và Vụ tổ chức cán bộ đã giải đáp những vướng mắc của Sở Tư pháp Hải Phòng để giải quyết những “điểm nghẽn” đang gặp phải.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận biểu dương nỗ lực của Tư pháp Hải Phòng trong thời gian qua và khẳng định những nỗ lực đó đã đóng góp vào thành công chung của ngành Tư pháp năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh nhiệm vụ số hóa Sổ hộ tịch lịch sử TP Hải Phòng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, khi đã hoàn thiện công tác số hóa thì nhiệm vụ rà soát dữ liệu hộ tịch điện tử đảm bảo chính xác và lưu trữ cũng quan trọng không kém. Đồng thời việc số hóa phải kết nối vào kho dữ liệu chung của cả ngành để có thể kết nối, chia sẻ với các địa phương khác mới phát huy giá trị cao nhất. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc mong muốn Sở Tư pháp Hải Phòng nhanh chóng hoàn thiện việc kết nối, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia để khai thác dữ liệu về dân cư trong tháng 3/2022.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng lưu ý thêm: Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), là điểm đến hấp dẫn của những nhà đầu tư lớn. Do đó, nhiệm vụ của ngành Tư pháp càng đặc biệt quan trọng, tham mưu cho UBND TP xử lý hài hòa lợi ích cũng như “trúng” quy định pháp luật để giảm thiểu những xung đột giữa chính quyền và nhà đầu tư nếu có.