Đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh
Những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn ngân hàng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thấp so với cùng thời điểm nhiều năm gần đây. Để dòng vốn tín dụng thấm sâu vào nền kinh tế, tạo những xung lực đột phá mới, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn quyết liệt triển khai nhiều chương trình tín dụng đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện tại, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bắc Thanh Hóa (Vietcombank Bắc Thanh Hóa) đang triển khai đồng loạt các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,3%/năm đối với các khoản vay vốn sản xuất, kinh doanh ngắn hạn và lãi suất chỉ từ 6,5%/năm cho các khoản vay trung, dài hạn dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với các khoản vay trung - dài hạn, lãi suất ưu đãi là 6,3%/năm trong 6 tháng đầu năm 2024.
Ngoài ưu đãi lãi suất vay, thủ tục, quy trình phê duyệt khoản vay cũng được các ngân hàng tối ưu hóa theo hướng thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, việc cho vay trực tuyến, vay tín chấp đối với các khoản vay tiêu dùng đang được đẩy mạnh. Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) - Phòng Giao dịch Bà Triệu hiện đang triển khai nhiều dịch vụ ngân hàng điện tử phục vụ khách hàng, cho vay thấu chi online, vay cầm cố sổ tiết kiệm, mở thẻ tín dụng trực tuyến phê duyệt trước... Các dịch vụ này được thực hiện 100% trên nền tảng số hóa của VIB giúp khách hàng dễ dàng đăng ký trong vòng chưa đầy 1 phút vào mọi lúc, mọi nơi, 24 giờ/7 ngày.
Để hỗ trợ khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh vừa hạ lãi suất kết hợp triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, vừa đẩy mạnh đầu tư xây dựng các nền tảng công nghệ, số hóa quy trình vay vốn, qua đó tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người đi vay và bên cho vay. Hiện nay, lãi suất cho vay doanh nghiệp ở kỳ ngắn hạn phổ biến của các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đang thực hiện ở mức giao động trên, dưới 6%/năm; các NHTM nhỏ khác cao hơn từ 1 - 3%, tùy theo ngân hàng, khách hàng và lĩnh vực cho vay. Tuy mức lãi suất hiện tiếp tục giữ ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng nhiều NHTM trên địa bàn đang dư thừa nguồn vốn và đang điều chỉnh lãi suất huy động giảm xuống. Trước thực tế này, các ngân hàng đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Theo đó, NHNN Thanh Hóa đã chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng đối với khách hàng có tình hình hoạt động khả quan, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong mở rộng mạng lưới, phát triển cho vay đối với hộ, cá nhân kinh doanh, các làng nghề có thế mạnh của tỉnh như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, chế biến lâm sản...; tăng cường cho vay thấu chi đối với khách hàng có tài sản bảo đảm có tính thanh khoản cao (như bất động sản, sổ tiết kiệm) với mức lãi suất thấp. Với các giải pháp đồng bộ, thiết thực của các tổ chức tín dụng, tính đến cuối tháng 7/2024, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt hơn 179.000 tỷ đồng, tăng gần 9.000 tỷ đồng (6%) so với đầu năm. Tổng dư nợ đạt gần 210.000 tỷ đồng (không bao gồm ngân hàng phát triển), tăng 6% so với đầu năm. Chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,8%.
Ông Tống Văn Ánh, Giám đốc NHNN Thanh Hóa, cho biết: Thời gian tới, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số...); công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, đánh giá mức ưu đãi và lựa chọn ngân hàng vay vốn. Phấn đấu tăng trưởng dư nợ của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tăng 14 đến 15% so với cuối năm 2023. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, như: Chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chương trình cho vay lâm sản, thủy sản, cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên...; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các tổ chức tín dụng kinh doanh hiệu quả và các NHTM Nhà nước; tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...