Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu thế chủ đạo trên thế giới với vô vàn tiện lợi cho cả khách hàng và nhà cung cấp. Để khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại khi mua sắm hàng hóa - dịch vụ, ngày 16-6 đã được lựa chọn là 'Ngày không tiền mặt' đầu tiên tại Việt Nam.

Nước ta được đánh giá là một nước có nền tảng tốt để thực hiện mục tiêu giảm tỷ trọng giao dịch tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. Nhưng theo các chuyên gia chuyên ngành, "thành trì" kiên cố nhất cần được phá vỡ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt chính là phải thay đổi thói quen tiêu tiền mặt cố hữu của người dân. Cùng với đó, phải có cơ chế khuyến khích phát triển phương thức thanh toán phi tiền mặt một cách đơn giản, thuận tiện và hiện đại.

Thống kê mới đây của Ngân hàng thế giới cho thấy, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực, chỉ đạt 4,9%, trong khi ở Trung Quốc là 26,1%; Thái-lan là 59,7% và Ma-lai-xi-a là 89%...

Cùng với Ðề án của Chính phủ, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng nước ta đến năm 2025, định hướng đến 2030 cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và thiết bị chấp nhận thẻ POS. Theo đó, đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8%.

Hiện nay, thị trường công nghệ, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên đa dạng hơn. Hiện, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm: Thanh toán sử dụng giấy ủy nhiệm thu hoặc chi, séc; qua thẻ ngân hàng; thanh toán trực tuyến, qua ví điện tử. Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạ tầng kỹ thuật và việc cung ứng dịch vụ thanh toán đã được ngân hàng nhà nước hoàn thành một bước căn bản. Tuy nhiên, mục tiêu giảm tỷ trọng chi tiêu tiền mặt vẫn được xem còn nhiều thách thức. Thanh toán không dùng tiền mặt hiện còn thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Thay đổi thói quen trong thanh toán từ tiền mặt sang phi tiền mặt là một quá trình không đơn giản khi tiền mặt đang phổ biến trong các giao dịch mua bán hiện nay. Ðể thay đổi được thói quen đó, cần phải có những phương thức thanh toán mới thích hợp, thuận tiện hơn để người dân, doanh nghiệp lựa chọn. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số đang ngày càng được chú trọng. Bên cạnh việc hoàn thiện những sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện có, hầu hết các ngân hàng đã và đang nghiên cứu triển khai thêm các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông.

Có thể thấy, thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng mang tính thời đại. Trên thế giới, phần lớn các nước đã chuyển sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thậm chí, ở các nước có nền kinh tế phát triển, việc sử dụng tiền mặt để thanh toán còn khó khăn. Ðể có được kết quả này, họ đã phải trải qua cả một quá trình để thay đổi thói quen của người dân.

Ở nước ta hiện nay, hầu hết các ngân hàng đã thiết lập được hệ thống, đồng thời phát triển thanh toán nội bộ, tích hợp đa kênh hiện đại thanh toán trên di động, trên internet, dịch vụ tin nhắn... đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Thẻ ngân hàng tiếp tục là phương tiện thanh toán phổ biến, tiện lợi với tốc độ phát triển nhanh. Cùng với đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán qua thẻ, các ngân hàng cũng tích cực phối hợp với các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước thực hiện hiệu quả việc thu, nộp ngân sách nhà nước; hợp tác cung ứng các dịch vụ thanh toán đối với dịch vụ công. Ngoài ra, công nghệ QR Pay cũng mới được triển khai mở rộng tại các ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại di động. Với phương thức này, khách hàng có thể sử dụng thiết bị di động, ví điện tử trên điện thoại di động để quét mã QR tại các đơn vị chấp nhận thẻ liên kết với ngân hàng thay vì sử dụng thẻ để thanh toán qua máy POS hoặc chuyển khoản.

Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được dự báo tiếp tục phát triển. Nhưng mục tiêu này sẽ vấp phải không ít trở ngại nếu các bộ, ngành, các ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ… thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc chung tay góp phần thay đổi thói quen trong chi tiêu, hiện đại hóa công nghệ, tăng cường bảo mật cũng như tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý. Cùng với đó là việc tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng cần được đặc biệt chú trọng. Ðây cũng sẽ là xu thế chung của thị trường, giúp chúng ta thoát dần khỏi vòng luẩn quẩn "Trả lương qua tài khoản rồi lại ra cây ATM rút tiền mặt để thanh toán hóa đơn".

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố ngày 16-6 hằng năm là Ngày không tiền mặt nhằm khuyến khích các hoạt động mua sắm, giao dịch bằng thẻ và các phương tiện số khác. Đây là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ. Chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt” là một trong những hoạt động tiêu biểu, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020.

Bảo Hân

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/day-manh-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-264600-85.html