Đẩy mạnh thực thi Luật Sở hữu trí tuệ

Đăng ký nhãn hiệu giúp sản phẩm nhộng trùng thảo, sản xuất tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên nâng cao uy tín trên thị trường. Ảnh: THÁI HÀ

Thời gian qua, Sở KH-CN được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với những đơn vị liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN về kết quả hoạt động quản lý nhà nước về SHTT và các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi Luật SHTT trong thời gian tới.

* Ông cho biết vai trò của SHTT và kết quả thực thi Luật SHTT trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Được sự chỉ đạo và quan tâm của Bộ KH-CN, Cục SHTT, UBND tỉnh và các sở, ban ngành trong tỉnh, trong năm qua, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT của Sở KH-CN Phú Yên đảm bảo kế hoạch hàng năm và đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xác định việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa góp phần tạo nên tên tuổi, uy tín cho sản phẩm cũng như giúp nhà sản xuất yên tâm mở rộng sản xuất, đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị, áp dụng dây chuyền thiết bị tiên tiến để tạo ra sản phẩm đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương…, thời gian qua, công tác tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp luôn được Sở KH-CN quan tâm thực hiện thường xuyên và liên tục. Thống kê từ tháng 1/2016-7/2020, Phú Yên đã có 187 đối tượng sở hữu công nghiệp được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, 177 nhãn hiệu, 2 giải pháp hữu ích và 8 kiểu dáng công nghiệp. Mới đây, Phú Yên có thêm 2 nhãn hiệu chứng nhận là hồ tiêu Sơn Thành và bò một nắng Phú Yên. Việc các nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền đã góp phần gia tăng nhiều lần giá trị sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Phú Yên; đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Ông Dương Bình Phú

Ông Dương Bình Phú

* Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn tỉnh có đáp ứng được nhu cầu xã hội không? Và, công tác chống xâm phạm quyền SHTT được ngành chức năng quan tâm thực hiện như thế nào, kết quả ra sao, thưa ông?

- Công tác tư vấn, hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, qua đó các doanh nghiệp đã có bước chuyển biến nhanh về mặt nhận thức trong thực thi Luật SHTT, nhận thức đúng đắn vai trò đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh xảy ra ít mặc dù trên thị trường vẫn còn hiện tượng hàng giả, hàng nhái như việc sao chép đĩa CD, hàng điện tử, phụ tùng mô tô.

Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn như: nhận thức về bảo vệ quyền SHTT của một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn thấp; thời gian đăng ký xác lập quyền SHTT kéo dài; các hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi và phức tạp... ảnh hưởng đến hoạt động SHTT của địa phương. Năm 2020, Thanh tra Sở KH-CN Phú Yên tiến hành thanh tra một trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo đơn yêu cầu của Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất phân bón Thuận Mùa (tỉnh An Giang). Đoàn thanh tra sau đó yêu cầu một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu vi phạm “G9”.

* Thưa ông, Sở KH-CN sẽ phải tập trung vào các giải pháp nào để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về SHTT, thực hiện các mục tiêu phát triển ở lĩnh vực này trong thời gian tới?

- Thời gian tới, Sở KH-CN tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu rõ lợi ích của việc đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp trong tình hình cạnh tranh gay gắt như hiện nay; hỗ trợ cho địa phương thực hiện các dự án KH-CN thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ công nghệ mới theo quy trình khép kín để duy trì, phát triển sản xuất các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý ở địa phương. Sở KH-CN cũng sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất để qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quyền SHTT trong phạm vi thẩm quyền và chức năng quản lý của đơn vị mình, qua đó đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập.

Tháng 11/2021, Sở KH-CN thành lập Tổ xây dựng dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh Quy định nội dung và mức chi thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Phú Yên đến năm 2030 nhằm hỗ trợ khai thác, phát triển và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Việc ban hành kế hoạch, chính sách hỗ trợ hoạt động SHTT, phát triển tài sản trí tuệ sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền SHTT trên địa bàn tỉnh.

* Xin cảm ơn ông!

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/267728/day-manh-thuc-thi-luat-so-huu-tri-tue.html