Đẩy mạnh tích hợp khởi nghiệp sáng tạo vào các chương trình đào tạo và giảng dạy
Phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh tích hợp khởi nghiệp sáng tạo vào các chương trình đào tạo và giảng dạy.
Hải Phòng: Đẩy mạnh tích hợp khởi nghiệp sáng tạo vào các chương trình đào tạo và giảng dạy
Với chủ đề "Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam" -Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo (Techfest) năm 2024 vừa khai mạc chiều nay, 27/11 tại Hải Phòng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo thành phố Hải Phòng tới dự.
Chính phủ cam kết đồng hành, giữ vai trò kiến tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo (Techfest) là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức.
Techfest Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 26-28/11/2024.
Sự kiện tiếp tục khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nói riêng.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân Hải Phòng cùng các bộ, cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ tổ chức sự kiện quan trọng này.
Đây là năm thứ 10 Techfest được tổ chức, trong đó Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự 4 lần thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời đánh giá cao phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước.
Chia sẻ về những nguyên nhân phải phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Thủ tướng phân tích, khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng chủ thể, từng doanh nghiệp và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá, thậm chí kiến tạo những thị trường mới, ngành, lĩnh vực mới, phương thức sản xuất kinh doanh mới, lực lượng sản xuất mới.
Khởi nghiệp sáng tạo là một đột phá cần thiết để khai thác có hiệu quả những tiến bộ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã đạt những kết quả quan trọng, như có những công ty kỳ lân, hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả quan trọng bước đầu mà các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp cho thành tựu chung của đất nước.
Cũng theo Thủ tướng, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mới ở giai đoạn hình thành, còn thiếu nguồn lực để có thể tăng tốc và phát triển mạnh mẽ (trong đó thiếu nguồn lực hỗ trợ trong mua sắm, sử dụng sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo ở cả phạm vi quốc gia và địa phương…).
Phân tích một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, Thủ tướng cho rằng cần có liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo phát triển, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, quản lý nhà nước; các viện, trường đào tạo nhân lực, tạo động lực, truyền cảm hứng cho đổi mới sáng tạo, cho khởi nghiệp; doanh nghiệp hỗ trợ, đặt hàng, tạo môi trường phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần có tư duy đột phá, chấp nhận rủi ro, dám nghĩ, dám làm trong thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng cũng nêu rõ, 3 yêu cầu chủ đạo đặt ra đối với phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia là: Thu hút được các nguồn lực từ các tập đoàn quốc tế, quốc gia cho khởi nghiệp sáng tạo; nuôi dưỡng và phát triển nhiều kỳ lân công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ mới; tạo hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn diện, bao trùm, bền vững.
Về một số nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát, có cơ chế, chính sách đột phá tạo động lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; khẩn trương xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung và trình Chính phủ ban hành Nghị định về khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh tích hợp khởi nghiệp sáng tạo vào các chương trình đào tạo và giảng dạy, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ tham gia.
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo (linh hoạt ứng dụng chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương).
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân dân tích cực tham gia một cách thiết thực, cụ thể các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, giúp Việt Nam sớm theo kịp các nước trong khu vực, trên thế giới. Mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần phải là một "hạt nhân đổi mới" góp phần tạo động lực mới cho nền kinh tế, khẳng định trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế...
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cam kết đồng hành, giữ vai trò kiến tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chức năng thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Trong những năm qua, Bộ đã chung tay, đồng hành cùng các Bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kết nối hơn 200 quỹ đầu tư, phát triển Mạng lưới 2.000 chuyên gia, trí thức tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai Đề án 1665 "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", đồng thời phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp".
Techfest Việt Nam 2024 chính là cơ hội để kết nối, tạo dựng niềm tin và định hình hành trình cho những chiến lược mới trong tương lai góp phần đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2024 nổi bật với khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 kỳ lân và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Cũng trong năm 2024, lần đầu tiên hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink, Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200, thành phố Đà Nẵng lọt top 1000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.