Đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số quốc gia
Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La, có đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia tỉnh.
Sau 4 năm thực hiện chuyển đổi số, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia; Chính phủ điện tử Việt Nam đứng thứ 6/11 nước trong ASEAN. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 6 khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số; đến năm 2021, đứng thứ 3 và 2 năm tiếp theo (2022, 2023) đứng thứ nhất. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, năm 2019, Việt Nam mới chỉ đạt gần 11%; đến nay, đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến năm 2019 chỉ khoảng 5%; đến nay, đạt 43%, tăng hơn 8 lần.
Thực hiện Đề án 06/CP, đến nay, 43/76 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, 36 dịch vụ được thực hiện toàn trình. 100% công dân được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hơn 75,7 triệu tài khoản định danh điện tử được cấp và kích hoạt trên 55,25 triệu tài khoản. Người dân bước đầu được hưởng các tiện ích cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VneID; khám sức khỏe bằng sổ sức khỏe điện tử; sử dụng học bạ số; thanh toán giá dịch vụ không dùng tiền mặt…
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, đồng bộ trên 670 triệu thông tin công dân để làm giàu dữ liệu dân cư, cập nhật thường xuyên “đúng, đủ, sạch, sống”; đẩy mạnh xác thực làm sạch dữ liệu, hỗ trợ tạo lập dữ liệu của các ngành, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí và ngày càng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung các giải pháp phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số và tài năng số; ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số toàn diện phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các cấp, ngành. Đẩy mạnh giảm thủ tục hành chính, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; xóa bỏ cơ chế xin, cho và chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác chuyển đổi số. Xác định rõ, chuyển đổi số toàn diện cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế để "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên", phấn đấu hoàn thành lộ trình về chuyển đổi số đề ra.